SEO On-Page

Chương 4: SEO On-Page

Khi đọc đến trang này, tôi hy vọng bạn đã biết các khách hàng mục tiêu của mình đang tìm kiếm như thế nào, và cũng là lúc chúng ta cần đi sâu vào SEO On-page, thực hành tạo ra những nội dung có khả năng trả lời các câu hỏi của người tìm kiếm. SEO On-page có nhiều mặt, và vượt ra ngoài nội dung sang những thứ khác như các thẻ Shema hay thẻ meta, mà chúng ta sẽ thảo luận nhiều hơn trong chương tiếp theo về tối ưu hóa kỹ thuật SEO. Và bây giờ, là lúc chúng ta học cách tạo một nội dung sát thủ cho website của mình!

A - Tạo nội dung

1. Áp dụng nghiên cứu từ khóa

Trong chương trước, chúng ta đã học các phương pháp để khám phá cách đối tượng mục tiêu của bạn đang tìm kiếm nội dung. Bây giờ, đã đến lúc đưa nghiên cứu đó vào thực tế. Đây là một phác thảo đơn giản để bạn có thể áp dụng:

  1. Khảo sát từ khóa của bạn và nhóm những từ có chủ đề và mục đích tương tự. Các nhóm đó sẽ là các trang của bạn, thay vì tạo các trang riêng lẻ cho mỗi biến thể từ khóa.
  2. Nếu bạn chưa thực hiện được, hãy đánh giá SERP cho từng từ khóa hoặc nhóm từ khóa để xác định loại và định dạng nội dung của bạn. Một số đặc điểm của trang xếp hạng cần lưu ý:
    • Chúng có hình ảnh hay video không?
    • Là nội dung dài hay ngắn và súc tích?
    • Là nội dung được định dạng trong danh sách hay đoạn văn?
  3. Hãy tự hỏi mình: Giá trị đặc biệt nào để làm cho trang của tôi tốt hơn các trang hiện đang được xếp hạng cao cho từ khóa này?

SEO trên trang cho phép bạn biến nghiên cứu của mình thành nội dung mà khách hàng sẽ yêu thích. Chỉ cần đảm bảo tránh rơi vào bẫy của các chiến thuật giá trị thấp có hại nhiều hơn là lợi!

2. Tránh các chiến lược giá trị thấp (low-value tactics)

Nội dung web của bạn nên tồn tại để trả lời câu hỏi của người tìm kiếm, để hướng dẫn họ thông qua trang web của bạn và để giúp họ hiểu mục đích của trang web. Không nên tạo nội dung chỉ phục vụ cho mục đích được xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm. Xếp hạng là một phương tiện để kết thúc, để giúp người tìm kiếm. Do đó chúng ta nên tạo nội dung với mục đích duy nhất này: giúp người tìm kiếm, và rất có thể đó sẽ là những khách hàng của bạn nếu câu trả lời bạn đưa ra làm hài lòng họ.

Một số chiến thuật này đã được giới thiệu trong Chương 2, nhưng bằng cách xem xét, hãy cùng đi sâu hơn vào một số chiến thuật có giá trị thấp mà bạn nên tránh khi tạo nội dung được tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm.

Ít nội dung

Thông thường trước đây với một trang web có các trang duy nhất về các chủ đề khác nhau, một chiến thuật nội dung thường được áp dụng là tạo một trang cho mỗi lần lặp từ khóa để xếp hạng cao cho các truy vấn cụ thể cao đó.

Ví dụ: nếu một cửa hàng bán váy cô dâu, họ có thể đã tạo các trang riêng biệt cho các từ khóa "váy cô dâu", "váy cưới" và "trang phục cô dâu", v.v... ngay cả khi mỗi trang về cơ bản đều nói về cùng một điều. Một cách làm tương tự của các doanh nghiệp là tạo ra nhiều trang nội dung cho mỗi thành phố hoặc khu vực mà họ muốn có khách hàng. Các trang này thường có cùng nội dung hoặc rất giống nhau, với tên vị trí là yếu tố duy nhất thay đổi.

Chiến thuật như thế này rõ ràng không hữu ích cho người dùng, vậy tại sao họ lại làm điều đó? Đơn giản bơi Google ngày trước chưa đủ tốt như ngày nay để hiểu mối quan hệ giữa các từ và cụm từ (hoặc ngữ nghĩa). Vì vậy, nếu bạn muốn website của mình được xuất hiện trên trang đầu tiên của từ khóa "váy cưới của cô dâu", chiến thuật này có thể đã từng rất hữu dụng.

Thực tế này đã tạo ra vô số nội dung không có giá trị, chất lượng thấp trên web, được Google đề cập cụ thể với bản cập nhật năm 2011 được gọi là Panda. Thuật toán này đã xử phạt các trang chất lượng thấp, dẫn đến việc các trang có chất lượng cao chiếm những vị trí hàng đầu của SERP. Quá trình này tiếp tục được lặp lại để hạ thấp nội dung kém chất lượng và quảng bá nội dung chất lượng cao ngày nay.

Google rất rõ ràng về việc bạn nên có một trang toàn diện về một chủ đề thay vì nhiều trang kém chất lượng cho mỗi biến thể của từ khóa.

Tránh tạo các trang có nội dung với kém chất lượng, mà hãy tạo một trang thực sự giàu chất lượng với các biến thể từ khóa

Nội dung trùng lặp

Cái tên đã nói lên tất cả, "nội dung trùng lặp" đề cập đến việc nội dung được chia sẻ giữa các tên miền khác nhau hoặc giữa nhiều trang khác nhau của một tên miền. Các trang này sao chép nội dung trắng trợn và trái phép từ những trang web khác. Điều này có thể bao gồm việc lấy nội dung và xuất bản lại nguyên trạng hoặc sửa đổi một chút trước khi xuất bản lại mà không cần thêm bất kỳ nội dung hoặc giá trị khác nào.

Một mô tả về tình trạng sao chép nội dung của rất nhiều trang web hiện nay

Có rất nhiều lý do chính đáng cho nội dung trùng lặp nội bộ hoặc giữa các tên miền khác nhau. Vì vậy Google khuyến khích sử dụng thẻ rel=canonical để trỏ đến phiên bản gốc của nội dung web. Mặc dù đến bạn chưa cần phải biết về thẻ này, nhưng điều cần lưu ý bây giờ là nội dung của bạn phải là duy nhất.

Hình phạt từ Google cho các website sao chép nội dung?

Hình phạt từ Google cho các website sao chép nội dung?

Thực ra, không có hình phạt từ Google cho nội dung trùng lặp. Điều đó có nghĩa là, ví dụ, nếu bạn lấy một bài viết từ VnExpress và đăng nó lên blog của mình, website & các nội dung của bạn sẽ không bị trừng trị bởi một hình phạt nào đó từ Google. Tuy nhiên, Google sẽ lọc các phiên bản nội dung trùng lặp từ kết quả tìm kiếm của họ. Nếu hai hoặc nhiều phần nội dung giống nhau về cơ bản, Google sẽ chọn một canonical URL để hiển thị trong kết quả tìm kiếm của họ và ẩn các phiên bản trùng lặp. Đây không phải là một hình phạt. Bộ lọc Google chỉ hiển thị một phiên bản của nội dung để cải thiện trải nghiệm của người tìm kiếm. Nhưng đó cũng có nghĩa là bạn sẽ chỉ mất công sức & thời gian sao chép bài viết từ nơi khác mà sẽ không đạt được một chút hiệu quả SEO nào.

Che giấu nội dung

Nguyên lý cơ bản của công cụ tìm kiếm là hiển thị cùng một nội dung cho trình thu thập thông tin và cho khách truy cập. Điều này có nghĩa là bạn không bao giờ nên ẩn văn bản trong mã HTML của trang web mà một khách truy cập bình thường không thể nhìn thấy.

Khi hướng dẫn này bị phá vỡ, các công cụ tìm kiếm gọi đó là cloaking (che giấu) và đưa ra các biện pháp để ngăn các trang này được xếp hạng trong kết quả tìm kiếm. Kỹ thuật che giấu có thể được thực hiện theo bất kỳ cách nào và vì nhiều lý do, cả tích cực và tiêu cực. Trong một số trường hợp, Google có thể cho phép các hoạt động che giấu kỹ thuật vì chúng góp phần mang lại trải nghiệm tích cực cho người dùng.

Nhồi nhét từ khóa

Nếu bạn đã từng được nói rằng: "Bạn cần bao gồm {từ khóa quan trọng} trên trang này X lần", có thể bạn đã thấy sự nhầm lẫn trong việc sử dụng từ khóa trong thực tế. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ bao gồm một từ khóa trong trang nội dung X lần, trang đó sẽ tự động được xếp hạng cao bởi Google.

Thế nhưng, sự thật là mặc dù Google đề cập đến các từ khóa và các khái niệm liên quan trên các trang của trang web của bạn, nhưng chính trang đó phải được thêm các giá trị khác bên ngoài việc sử dụng từ khóa thuần túy. Nếu một trang có giá trị đối với người dùng, nó sẽ không giống như được viết bởi một con robot, vì vậy hãy kết hợp các từ khóa và cụm từ của bạn một cách tự nhiên theo cách dễ hiểu đối với độc giả của bạn.

Nội dung được tạo tự động

Có thể cho rằng một trong những hình thức gây khó chịu nhất đối với những nội dung chất lượng thấp là các nội dung được tạo tự động hoặc được lập trình với mục đích thao túng thứ hạng tìm kiếm và không mang lại lợi ích với người dùng. Bạn có thể nhận ra một số nội dung được tạo tự động bằng cách nó ít có ý nghĩa khi đọc - chúng là những từ kỹ thuật, nhưng được xâu chuỗi bởi một chương trình phần mềm chứ không phải là một con người.

Điều đáng chú ý là những tiến bộ trong máy học đã góp phần tạo ra nội dung tự động tinh vi hơn và càng trở nên tốt hơn theo thời gian. Đây có thể là lý do tại sao trong bản Hướng dẫn chất lượng về nội dung được tạo tự động, Google lại đặc biệt gọi những nội dung được tạo tự động là cố gắng thao túng thứ hạng tìm kiếm.

3. Thay vào đó, phải làm gì?

Không có "công thức bí mật" để được xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm. Google xếp hạng các trang rất cao bởi vì họ đã xác định chúng là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi của người tìm kiếm. Trong công cụ tìm kiếm ngày nay, sẽ là không ổn nếu trang của bạn chỉ chứa các nội dung trùng lặp, spam hoặc phá vỡ các nguyên tắc của Google. Mà thay vào đó, bạn phải cung cấp giá trị cho người tìm kiếm và nội dung đó phải tốt hơn bất kỳ trang nào khác mà Google hiện đang dùng làm câu trả lời cho một truy vấn cụ thể. Đây là một công thức đơn giản để tạo nội dung:

  • Tìm kiếm (các) từ khóa bạn muốn trang của bạn được xếp hạng.
  • Xác định trang nào hiện đang được xếp hạng cao cho các từ khóa đó.
  • Xác định chất lượng mà các trang đó mang lại.
  • Tạo nội dung còn tốt hơn cả trang đó.

Nếu bạn tạo một trang trên một từ khóa tốt hơn nhiều so với các trang được hiển thị trên top đầu trong kết quả tìm kiếm (cho từ khóa đó), Google sẽ thưởng cho bạn vì điều đó. Và tuyệt vời hơn nữa, bạn sẽ tự nhiên khiến cho mọi người liên kết với nó! Tạo nội dung chất lượng cao là một công việc khó khăn, nhưng phần thưởng dành cho bạn sẽ là vô cùng xứng đáng.

Chỉ cần nhớ rằng, không có con số kỳ diệu nào khi nói về các từ trên một trang. Những gì chúng ta nên hướng tới là bất cứ điều gì đủ thỏa mãn ý định của người tìm kiếm. Một số truy vấn có thể được trả lời kỹ lưỡng và chính xác trong 300 từ trong khi những truy vấn khác có thể yêu cầu 1.000 từ hoặc thậm chí nhiều hơn!

Đừng cố phát minh lại chiếc bánh xe

Đừng cố phát minh lại chiếc bánh xe

Nếu bạn đã có nội dung trên trang web của mình, hãy tiết kiệm thời gian bằng cách đánh giá trang nào trong số những trang đó đã mang lại lượng lưu lượng truy cập tự nhiên cao và có chuyển đổi tốt. Làm mới nội dung đó trên các nền tảng khác nhau để giúp hiển thị nhiều hơn cho trang web của bạn. Đồng thời, hãy đánh giá nội dung đang không hoạt động tốt và điều chỉnh nội dung đó, thay vì bắt đầu từ lại từ đầu với tất cả nội dung mới.

4. Lưu ý cho doanh nghiệp địa phương

Nếu doanh nghiệp của bạn liên hệ trực tiếp với khách hàng, hãy nhớ bao gồm tên, địa chỉ và số điện thoại (NAP) của doanh nghiệp một cách nổi bật, chính xác và nhất quán trong toàn bộ trang web. Thông tin này thường được hiển thị ở phần chân trang, cũng như trên bất kỳ trang "liên hệ" hay "giới thiệu" nào. Bạn cũng sẽ muốn đánh dấu thông tin này bằng các Schema structure cho các website doanh nghiệp địa phương. Schema structure sẽ được thảo luận nhiều hơn trong phần "Các tối ưu hóa khác" của chương này.

Nếu doanh nghiệp của bạn có nhiều chi nhánh, tốt nhất nên xây dựng các trang khác nhau được tối ưu hóa cho từng vị trí. Ví dụ: một doanh nghiệp có các địa điểm ở Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội nên xem xét việc có một trang cho mỗi trang:

quangninh.example.vn
haiphong.example.vn
hanoi.example.vn

Mỗi trang nên được tối ưu hóa duy nhất cho vị trí đó, vì vậy trang ở Quảng Ninh sẽ có nội dung độc đáo thảo luận về các địa điểm du lịch tại Quảng Ninh, liệt kê NAP (tên, địa chỉ, điện thoại) của chi nhánh tại Quảng Ninh và thậm chí cả những lời nhận xét cụ thể từ các khách hàng tại đây.

Địa phương, toàn quốc, toàn cầu

Hãy nhớ nhớ rằng không phải tất cả các doanh nghiệp hoạt động ở cấp địa phương đều thực hiện những gì chúng ta gọi là "SEO địa phương". Một số doanh nghiệp muốn thu hút khách hàng ở cấp quốc gia (ví dụ: toàn bộ Việt Nam) và những doanh nghiệp khác muốn thu hút khách hàng từ nhiều quốc gia (SEO toàn cầu).

Ví dụ, một quán cà phê nên tối ưu hóa trang web của họ cho vị trí thực của họ, những shop thời trang lớn có thể nhắm tới các khách hàng trên toàn quốc, trong khi những sản phẩm phần mềm có thể phát triển mục tiêu ra toàn câu.

Cách bạn chọn để tối ưu hóa trang web của mình phụ thuộc phần lớn vào đối tượng của bạn, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn có ý tưởng khi xây dựng nội dung trang web của mình.

Hy vọng bạn vẫn còn chút năng lượng sau khi xử lý nhiệm vụ khó khăn nhưng vô cùng xứng đáng là tạo ra các nội dung tốt hơn nhiều lần so với đối thủ cạnh tranh, bởi vì chỉ còn một vài điều nữa trước khi trang của bạn hoàn tất! Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ nói về các tối ưu hóa khác trên trang mà bạn sẽ cần dùng đến, cũng như đặt tên và sắp xếp nội dung của bạn.

B - Các tối ưu khác ngoài nội dung

Tôi có thể tăng kích thước phông chữ cho đoạn tiêu đề?

Làm cách nào tôi có thể kiểm soát tiêu đề và phần mô tả cho trang của mình trong kết quả tìm kiếm?

Sau khi đọc phần này, bạn sẽ hiểu các yếu tố quan trọng khác trên trang giúp công cụ tìm kiếm hiểu nội dung mà bạn vừa tạo, vì vậy hãy cùng đi sâu vào nhé!

1. Các thẻ tiêu đề

Thẻ tiêu đề là một phần tử HTML được sử dụng để chỉ định các tiêu đề trên trang của bạn. Thẻ tiêu đề chính, được gọi là H1, thường được dành riêng cho tiêu đề của trang. Nó trông như thế này:

<h1>Tiêu đề trang</h1>

Ngoài ra còn có các tiêu đề phụ đi từ thẻ H2 đến H6, mặc dù không cần sử dụng tất cả các tiêu đề này trên một trang. Hệ thống phân cấp của các thẻ tiêu đề đi từ H1 đến H6 theo thứ tự quan trọng giảm dần.

Mỗi trang nên có một thẻ H1 duy nhất mô tả chủ đề chính của trang, thường được sử dụng luôn từ tiêu đề của trang. Là tiêu đề mô tả chính của trang, thẻ H1 nên chứa từ khóa hoặc cụm từ chính của trang đó. Bạn nên tránh sử dụng thẻ tiêu đề để đánh dấu các yếu tố không phải tiêu đề, chẳng hạn như nút bấm hay số điện thoại v.v... Sử dụng thẻ tiêu đề nhằm mục đích giới thiệu phần nội dung sẽ được thảo luận ở bên dưới.

Lấy ví dụ về bài viết giới thiệu các dịch vụ thiết kế website:

<h1>Dịch vụ thiết kế website của QMAS</h1>
<h2>Thiết kế website du lịch</h2>
Phần nội dung về dịch vụ thiết kế website du lịch...

<h2>Thiết kế website công ty</h2>
<h3>Thiết kế website công ty tài chính</h3>
Phần nội dung về dịch vụ thiết kế website công ty tài chính...

<h3>Thiết kế website công ty bảo hiểm</h3>
Phần nội dung về dịch vụ thiết kế website công ty bảo hiểm...
<h3>Thiết kế website dịch vụ kế toán</h3>
Phần nội dung về dịch vụ thiết kế website dịch vụ kế toán...
................

<h2>Thiết kế website khách sạn</h2>
Phần nội dung về dịch vụ thiết kế website khách sạn...

<h2>Thiết kế website thương mại điện tử</h2>
Phần nội dung về dịch vụ thiết kế website thương mại điện tử...

<h2>Thiết kế website bất động sản</h2>
Phần nội dung về dịch vụ thiết kế website bất động sản...

<h2>Thiết kế website trường học</h2>
Phần nội dung về dịch vụ thiết kế website trường học...
................
................
................

Chủ đề chính của trang được giới thiệu trong thẻ <h1> chính và mỗi tiêu đề bổ sung được sử dụng để giới thiệu một chủ đề phụ mới. Trong ví dụ này, <h2> cụ thể hơn <h1> và các thẻ <h3> cụ thể hơn so với <h2>. Đây chỉ là một ví dụ về cấu trúc bạn có thể sử dụng.

Mặc dù những gì bạn chọn để đặt vào thẻ tiêu đề có thể được sử dụng bởi các công cụ tìm kiếm để đánh giá và xếp hạng trang của bạn, nhưng điều quan trọng là tránh làm tăng tầm quan trọng của chúng. Thẻ tiêu đề chỉ là một trong nhiều yếu tố SEO on-page và thường được đánh giá không cao bằng các backlink & nội dung chất lượng , vì vậy hãy tập trung vào khách truy cập trang web khi tạo tiêu đề.

2. Các liên kết nội bộ (internal links)

Trong Chương 2, chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của việc một trang web có thể được Google bot thu thập dữ liệu. Một phần khả năng thu thập dữ liệu của trang web nằm trong cấu trúc liên kết nội bộ của nó. Khi liên kết đến các trang khác nhau trên trang web của mình, chúng ta đảm bảo rằng trình thu thập thông tin của công cụ tìm kiếm có thể tìm thấy tất cả các trang của trang web của bạn, bạn chuyển giao link equity cho các trang khác trên website của bạn và giúp khách truy cập điều hướng trển đó.

Tầm quan trọng của liên kết nội bộ là rõ ràng, nhưng có thể có sự nhầm lẫn về cách thức này trông như thế nào trong thực tế. Hãy cùng tìm hiểu xem:

Khả năng truy cập liên kết

Các liên kết yêu cầu nhấp chuột để xuất hiện (như các dropdown menu) thường bị ẩn khỏi các trình thu thập dữ liệu của công cụ tìm kiếm. Vì vậy nếu có một trang nào đó trên website chỉ được liên kết đến qua các link dạng này, bạn có thể gặp khó khăn khi lập chỉ mục trang đó. Lựa chọn thay thế trong tình huống này là hãy tạo các liên kết có thể xem trực tiếp, hoặc sử dụng Sitemap.

Anchor text

Anchor text là văn bản mà bạn sử dụng để liên kết đến các trang. Dưới đây là một ví dụ về những gì một liên kết không có anchor text và một liên kết với anchor text sẽ trông như thế nào trong HTML.

<a href="https://qmas.vn/"></a>
<a href="https://qmas.vn/" title="Dịch vụ thiết kế website Quảng Ninh">QMAS</a>

Đoạn code trên sẽ hiển thị trên thực tế như sau:

https://qmas.vn
QMAS

Anchor text gửi tín hiệu đến các công cụ tìm kiếm về nội dung liên quan của trang đích. Ví dụ: nếu tôi liên kết đến một trang trên website của mình bằng cách sử dụng anchor text "dịch vụ thiết kế website của QMAS", thì đó là một chỉ báo tốt cho các công cụ tìm kiếm rằng trang được nhắm mục tiêu là nơi mọi người có thể tìm hiểu về dịch vụ thiết kế website của QMAS. Nhưng bạn cũng cần cẩn thận không nên quá lạm dụng nó. Quá nhiều liên kết nội bộ sử dụng cùng một anchor text được nhồi nhét từ khóa có thể khiến cho các công cụ tìm kiếm cho rằng bạn đang cố gắng thao túng xếp hạng của trang. Tốt nhất là làm cho các anchor text này tự nhiên hết sức có thể.

Số lượng liên kết

Trong Nguyên tắc quản trị trang web của mình, Google có nói rằng "giới hạn số lượng liên kết trên một trang nên nằm ở một con số hợp lý (nhiều nhất là vài nghìn)." Đây là một phần của hướng dẫn kỹ thuật của Google, chứ không phải là phần hướng dẫn chất lượng. Do đó, việc có quá nhiều liên kết nội bộ không phải là điều mà sẽ làm cho website của bạn sẽ bị phạt, nhưng nó ảnh hưởng đến cách Google tìm và đánh giá các trang của bạn. Vì vậy, sẽ an toàn khi bạn chỉ nên liên kết khi bạn muốn khách truy cập tìm hiểu thêm về một vấn đề gì đó có liên quan đến nội dung hiện tại.

Ngoài việc chuyển authority giữa các trang, liên kết cũng là một cách giúp người dùng điều hướng đến các trang khác trên website của bạn. Đây là trường hợp bạn làm những gì tốt nhất cho công cụ tìm kiếm và cả cho người tìm kiếm. Quá nhiều liên kết không chỉ làm loãng authority của mỗi liên kết, mà chúng còn có thể không có ích và thậm chí gây hại.

Hãy xem những khách truy cập sẽ cảm thấy như thế nào khi phải "hạ cánh" trên một trang có nội dung như thế này:

Chào mừng bạn đến với dịch vụ thiết kế website QMAS. Chúng tôi là dịch vụ thiết kế website số 1 tại Quảng Ninh. Chất lượng cao, chi phí rẻ, chăm sóc khách hàng dài hạn là những đặc điểm làm nên tên tuổi của QMAS so với các đối thủ cạnh tranh. Hãy tìm hiểu thêm về chúng tôi tại đây.

😱 Không chỉ có rất nhiều liên kết để xử lý, mà nó còn đọc khá bất thường và không chứa nhiều chất (có thể được coi là "nội dung kém chất lượng" của Google). Tập trung vào chất lượng, giúp người dùng dễ dàng điều hướng trên website của bạn, và bạn sẽ không phải lo lắng về việc nhồi nhét liên kết như ví dụ trên.

Chuyển hướng

Xóa và đổi tên trang là một việc làm phổ biến, nhưng trong trường hợp bạn di chuyển một trang sang URL mới, hãy đảm bảo các liên kết đến địa chỉ URL cũ đã được cập nhật! Mặc dù có một cách làm ít tốn công sức hơn, đó là sử dụng redirect, nhưng nếu có thể, hãy cập nhật tất cả các liên kết nội bộ đến URL đó để người dùng và trình thu thập thông tin không phải chuyển hướng đến trang đích. Nếu vẫn chọn cách sử dụng redirect, hãy cẩn thận để tránh các chuỗi chuyển hướng quá dài (Google nói rằng, "Tránh chuyển hướng chuỗi ... giữ cho số lượng chuyển hướng trong chuỗi thấp, lý tưởng là không quá 3 và ít hơn 5.")

Hãy nhìn vào ví dụ sau nếu bạn vẫn chưa hình dung được về chuỗi chuyển hướng:

(URL ban đầu) example.com/duong-dan-ban-dau → example.com/duong-dan-bi-thay-doi-lan-1example.com/duong-dan-bi-thay-doi-lan-2 →  (URL hiện tại) example.com/duong-dan-bi-thay-doi-lan-3

Tốt hơn nên là như thế này:

(URL ban đầu) example.com/duong-dan-ban-dau → (URL hiện tại) example.com/duong-dan-bi-thay-doi-lan-3

3. Tối ưu hình ảnh

Hình ảnh thường là nguyên nhân lớn nhất khiến tốc độ tải các trang web trở nên chậm chạp! Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là nén các hình ảnh lại trước khi upload. Mặc dù không có một điểm chuẩn nào để nói về kích thước phù hợp cho hình ảnh, tuy nhiên bạn nên sử dụng các công cụ hỗ trợ như "lưu cho web" nếu dùng Photoshop, hoặc sử dụng các công cụ nén như Optimizilla hay ImageOptim.

Một cách khác để tối ưu hóa hình ảnh là sử dụng định dạng phù hợp:

  • Nếu hình ảnh của bạn là ảnh động, hãy sử dụng GIF.
  • Nếu bạn không cần độ phân giải cao, hãy sử dụng JPEG (và kiểm tra các cài đặt nén khác nhau).
  • Nếu bạn cần duy trì độ phân giải cao, hãy sử dụng PNG.
    • Nếu hình ảnh của bạn có nhiều màu sắc, hãy sử dụng PNG-24.
    • Nếu hình ảnh của bạn không có nhiều màu sắc, hãy sử dụng PNG-8.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các tối ưu hình ảnh qua hướng dẫn này của Google.

Công nghệ nén ảnh tự động của QMAS

Công nghệ nén ảnh tự động của QMAS

Bạn có thể không cần quan tâm đến các công cụ kể trên nếu sử dụng dịch vụ thiết kế website của QMAS. Tất cả các file hình ảnh được upload sẽ được hệ thống tự động nén lại sao cho tối ưu nhất để giữ cho dung lượng thấp nhất có thể, đồng thời không làm giảm đi chất lượng.

Alt text

Alt text (văn bản thay thế) bên trong hình ảnh là một nguyên tắc của khả năng truy cập web và được sử dụng để mô tả hình ảnh cho người khiếm thị thông qua trình đọc màn hình. Điều quan trọng là phải có văn bản mô tả thay thế để bất kỳ người khiếm thị nào cũng có thể hiểu những gì hình ảnh trên trang web của bạn mô tả.

Các bot của công cụ tìm kiếm cũng thu thập dữ liệu về alt text để hiểu rõ hơn về hình ảnh của bạn, điều này mang lại cho bạn nhiều lợi ích bên ngoài trong việc cung cấp bối cảnh hình ảnh tốt hơn cho các công cụ tìm kiếm. Chỉ cần đảm bảo rằng các mô tả alt text của bạn được viết tự nhiên cho mọi người và tránh nhồi nhét từ khóa cho các công cụ tìm kiếm.

Không nên như này:

<img src="hinh-anh-chu-meo.gif" alt="chú mèo, mèo đen, mèo đực" />

Mà hãy như này:

<img src="hinh-anh-chu-meo.gif" alt="một chú mèo đen đáng yêu đang nhảy theo điệu nhạc" />

4. Định dạng cho khả năng đọc và featured snippets

Trang của bạn có thể chứa một nội dung tốt nhất từng được viết về một chủ đề nào đó, nhưng nếu nó không được định dạng đúng cách, khách truy cập của bạn có thể cũng không muốn đọc nó! Mặc dù không bao giờ có thể đảm bảo rằng khách truy cập sẽ đọc nội dung của mình, nhưng có một số nguyên tắc mà chúng ta có thể làm để thúc đẩy khả năng này, bao gồm:

  • Kích thước và màu văn bản - Tránh các phông chữ quá nhỏ. Google khuyến nghị phông chữ 16 pixel trở lên để các thiết bị di động có thể được đọc dễ dàng. Màu văn bản có liên quan với màu nền của trang cũng sẽ thúc đẩy khả năng đọc. Các tông tin bổ sung về văn bản có thể được tìm thấy trong các nguyên tắc tiếp cận web của Google.
  • Tiêu đề - Chia nhỏ nội dung của bạn bằng các tiêu đề hữu ích có thể giúp người đọc điều hướng trên trang dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt hữu ích trên các trang dài nơi người đọc có thể chỉ tìm kiếm thông tin từ một phần cụ thể.
  • Ngắt đoạn - Tránh các đoạn văn bản quá dài sẽ khiến nội dung của bạn nhìn sáng sủa dễ đọc hơn, có thể giúp ngăn chặn việc bỏ dở trang và khuyến khích khách truy cập trang web đọc thêm các nội dung khác trên trang của bạn.
  • File Media - Khi thích hợp, các hình ảnh, video... sẽ là những sự bổ sung đáng giá cho nội dung của bạn.
  • In đậm và in nghiêng để nhấn mạnh - Đặt các từ in đậm hoặc in nghiêng có thể tạo sự nhấn mạnh của mình đối với khách hàng về từ, cụm từ được in đậm, in nghiên đó. Việc sử dụng hợp lý các tùy chọn định dạng này có thể gọi ra những điểm quan trọng bạn muốn thảo luận.

Việc định dạng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hiển thị của bạn trong các featured snippets trên SERP, các kết quả "vị trí số 0" xuất hiện trên phần còn lại của kết quả tự nhiên.

Một featured snippet xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm

Không có đoạn code đặc biệt nào mà bạn có thể thêm vào trang của mình để được hiển thị ở đây. Bạn cũng không thể trả tiền để được xuất hiện cho vị trí này. Nhưng hãy lưu ý về mục đích truy vấn có thể giúp bạn cấu trúc nội dung tốt hơn cho các featured snippet.

Ví dụ: nếu bạn đang cố gắng xếp hạng cho từ khóa "nike vs adidas", thì việc đưa vào nội dung của bạn một bảng so sánh có ý nghĩa, với điểm mạnh của Nike trong một cột và cột còn lại là của Adidas, sẽ là sự lựa chọ hợp lý. Hoặc nếu đang cố gắng xếp hạng cho từ khóa "nhà hàng tốt nhất ở Hạ Long", bạn có thể tự suy ra rằng Google muốn có một danh sách các nhà hàng. Do đó, định dạng nội dung của bạn bằng một danh sách sử dụng thẻ <li> có thể sẽ có ích hơn.

5. Thẻ tiêu đề <title>

Thẻ tag <title> là phần tử chỉ định tiêu đề của một trang web cụ thể. Chúng được nằm trong thẻ <head> của mỗi trang và trông như thế này:

<head>
    <title>Tiêu đề trang Web</title>
</head>

Mỗi trang trên website của bạn nên có một thẻ tiêu đề khác nhau. Những gì bạn nhập vào trường thẻ tiêu đề sẽ hiển thị ở đây trong kết quả tìm kiếm (mặc dù trong một số trường hợp, Google có thể điều chỉnh cách thẻ tiêu đề của bạn xuất hiện trong kết quả tìm kiếm):

Thẻ tiêu đề được các công cụ tìm kiếm sử dụng để hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm

 

Ngoài ra, nội dung thẻ tiêu đề này cũng xuất hiện trên thanh tiêu đề của trình duyệt...

Thẻ tiêu đề cũng được các trình duyệt sử dụng để hiển thị trên thanh tiêu đề

Hoặc khi chia sẻ lên các trang mạng xã hội:

Thẻ tiêu đề thường được các mạng xã hội sử dụng để hiển thị trên các liên kết được chia sẻ

Thẻ tiêu đề có vai trò to lớn trong ấn tượng đầu tiên của khách truy cập trang web của bạn, và đó là một công cụ cực kỳ hiệu quả để thu hút người tìm kiếm đến trang của bạn hơn bất kỳ kết quả nào khác trên SERP. Thẻ tiêu đề của bạn càng hấp dẫn, kết hợp với thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm, bạn sẽ càng thu hút nhiều khách truy cập vào website. Điều này cũng nhấn mạnh thêm rằng: SEO không chỉ là về công cụ tìm kiếm, mà là toàn bộ trải nghiệm người dùng.

Điều gì làm nên một tiêu đề hiệu quả?

  • Sử dụng từ khóa: Có từ khóa mục tiêu của bạn trong tiêu đề có thể giúp cả người dùng lẫn công cụ tìm kiếm hiểu trang của bạn nói về cái gì. Ngoài ra, từ khóa xuất hiện càng ở phần đầu tiêu đề sẽ càng khiến người dùng có khả năng sẽ đọc và có thể có nhiều lợi ích để xếp hạng cao.
  • Độ dài: Trung bình, các công cụ tìm kiếm hiển thị 50 ký tự đầu tiên (~ 512 pixel) của thẻ tiêu đề trong kết quả tìm kiếm. Nếu thẻ tiêu đề của bạn vượt quá con số đó, dấu chấm lửng "..." sẽ xuất hiện khi tiêu đề bị cắt. Mặc dù cố gắng bám vào khoảng 50 đến 60 ký tự được cho là an toàn, nhưng cũng đừng vì thế mà phải cắt bỏ đi để hy sinh chất lượng. Nếu bạn chắc chắn rằng không thể đảm bảo chất lượng của tiêu đề chỉ với 60 ký tự, hãy cứ viết dài hơn.
  • Xây dựng thương hiệu: Nếu bạn để ý, tiêu đề của tất cả các trang trên website của QMAS đều kết thúc bằng QMAS. Chúng tôi thích kết thúc thẻ tiêu đề của mình bằng một đề cập đến tên thương hiệu vì nó thúc đẩy nhận thức về thương hiệu và tạo ra tỷ lệ nhấp cao hơn trong số những người quen thuộc với QMAS. Đôi khi, bạn cũng nên cân nhắc đặt thương hiệu của mình ở đầu thẻ tiêu đề, chẳng hạn như trên trang chủ, nhưng hãy chú ý đến những từ khóa bạn đang cố xếp hạng và đặt những từ đó gần hơn với đầu thẻ tiêu đề.

6. Thẻ Meta description

Giống như thẻ tiêu đề, thẻ mô tả meta description là phần tử HTML mô tả nội dung của trang mà khách hàng đang truy cập. Chúng cũng được nằm trong thẻ head và trông như thế này:

<head>
    <meta name="description" content="Đoạn mô tả khái quát về nội dung trên trang." />
</head>

Những gì bạn nhập vào thuộc tính content thẻ này sẽ được xuất hiện ở đây trong trang kết quả tìm kiếm với các từ xuất hiện trong từ khóa được in đậm:

Nội dung thẻ Meta Description được các công cụ tìm kiếm sử dụng để hiển thị trong trang kết quả

Điều gì làm nên một thẻ Meta description hiệu quả?

Những phẩm chất tạo nên một thẻ tiêu đề hiệu quả cũng được áp dụng cho một thẻ meta description hiệu quả. Và cũng giống thẻ tiêu đề, mặc dù Google nói rằng các thẻ meta description không phải là một yếu tố được xếp hạng, nhưng chúng cực kỳ quan trọng đối với tỷ lệ nhấp chuột:

  • Mức độ liên quan: Thẻ meta description phải có sự liên quan cao đến nội dung trên trang web, vì vậy nó sẽ tóm tắt nội dung chính của trang dưới một số hình thức. Bạn nên cung cấp cho người tìm kiếm đủ thông tin để biết rằng họ đã tìm thấy một trang có sự liên quan cao đến câu hỏi của họ, mà vẫn đảm bảo không đưa ra quá nhiều nội dung đến mức có thể trả lời luôn câu hỏi của họ trong những gì xuất hiện trên trang tìm kiếm.
  • Độ dài: Công cụ tìm kiếm có xu hướng cắt ngắn nội dung thẻ meta description thành khoảng 155 ký tự. Tốt nhất là bạn nên viết nội dung của thẻ này trong khoảng 150 đến 300 ký tự. Trên một số SERP, bạn sẽ nhận thấy rằng Google cung cấp nhiều thông tin hơn cho các mô tả của một số trang. Điều này thường xảy ra đối với các trang web xếp hạng ngay bên dưới một featured snippet.

C - Cấu trúc URL: đặt tên và tổ chức các trang

URL là viết tắt của Uniform Resource Locator (bộ định vị tài nguyên thống nhất). URL là vị trí hoặc địa chỉ cho từng phần nội dung trên web. Giống như thẻ tiêu đề và thẻ meta description, công cụ tìm kiếm hiển thị URL trên trang kết quả. Do đó, việc đặt tên và định dạng URL có thể ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ nhấp chuột. Người tìm kiếm không chỉ sử dụng chúng để đưa ra quyết định về việc nhấp vào trang web nào, mà URL còn được các công cụ tìm kiếm sử dụng để đánh giá và xếp hạng trang.

1. Tên rõ ràng

Các công cụ tìm kiếm yêu cầu các URL là duy nhất cho mỗi trang trên website của bạn để họ có thể hiển thị chúng trong kết quả tìm kiếm. Nhưng cấu trúc và đặt tên cho URL rõ ràng cũng hữu ích cho những người đang cố gắng hiểu cụ thể thì URL này có nội dung là. Ví dụ, theo bạn thì ở ví dụ bên dưới đây, URL nào rõ ràng hơn?

qmas.vn/blog/lam-the-nao-de-lua-chon-don-vi-thiet-ke-website-uy-tin

hay

qmas.vn/blog/post?id=12345

Người tìm kiếm có nhiều khả năng sẽ nhấp vào các URL có thông tin và nội dung rõ ràng, và ngược lại, ít có khả năng nhấp vào các URL không rõ ràng và có thể gây nhầm lẫn cho họ.

Tuy URL chỉ là một tín hiệu xếp hạng nhỏ, nhưng cũng có thể cải thiện đáng kể khả năng khách hàng sẽ lựa chọn website của bạn nếu URL được đặt tên chuẩn mực.

2. Tổ chức trang

Nếu bạn thảo luận về nhiều chủ đề trên website của mình, bạn cũng nên đảm bảo tránh các trang lồng nhau trong các thư mục không liên quan. Ví dụ:

example.com/blog/kien-thuc-seo/cach-chup-anh-san-pham-dep.html

Trong trường hợp này, sẽ là tốt hơn nếu bài viết "Cách chụp ảnh sản phẩm đẹp" nằm bên dưới "/ky-thuat-chup-anh/", hay "/meo-vat-cho-chu-shop/" thay vì "/kien-thuc-seo/" vốn không liên quan đến chủ đề của bài viết.

Các thư mục mà bạn định vị nội dung của mình cũng có thể gửi tín hiệu về loại nội dung của bạn. Ví dụ: URL chứa thời gian có thể chỉ ra nội dung nhạy cảm với thời gian. Mặc dù phù hợp với các trang web dựa trên tin tức, các URL chứa thời gian cũng có thể khiến người tìm kiếm không muốn nhấp vào website của bạn vì họ cho rằng thông tin của bạn đưa ra có thể đã lỗi thời. Ví dụ: URL này có thể sẽ khiến bạn mất nhiều khách truy cập:

qmas.vn/blog/2010/02/seo-la-gi.html

trong khi URL này thì không:

qmas.vn/blog/seo-la-gi.html

Vì chủ đề "SEO là gì?" không giới hạn vào một ngày cụ thể, tốt nhất là bạn không nên lưu trữ dữ liệu thời gian trên cấu trúc URL. Bằng không bạn sẽ có nguy cơ thông tin của mình sẽ bị xem như là đã cũ và không còn phù hợp đến thời điểm hiện tại.

3. Độ dài của URL

Mặc dù không cần thiết phải có cấu trúc URL hoàn toàn bằng phẳng, nhiều nghiên cứu về tỷ lệ nhấp chuột cho thấy rằng, khi được lựa chọn giữa một URL và một URL ngắn hơn, người tìm kiếm thường thích các URL ngắn hơn. Giống như thẻ tiêu đề và meta description quá dài, URL quá dài cũng sẽ bị cắt bằng dấu 3 chấm lửng.

Tuy nhiên bạn cũng cần nhớ rằng, việc có một URL giàu tính mô tả cũng quan trọng không kém, thậm chí còn nhiều hơn. Vì vậy đừng cố gắng cắt giảm độ dài URL nếu điều đó đồng nghĩa với việc hy sinh tính mô tả của URL.

qmas.vn/dich-vu/thiet-ke/thiet-ke-website/thiet-ke-website-cong-ty/thiet-ke-website-cong-ty-bat-dong-san

với

qmas.vn/thiet-ke-website/cong-ty-bat-dong-san

Giảm thiểu độ dài, cả bằng cách bao gồm ít từ hơn và gỡ bỏ các thư mục con không cần thiết, giúp URL của bạn dễ đọc hơn, cũng như có thể nhận được nhiều nhấp chuột hơn.

4. Từ khóa trong URL

Nếu trang của bạn đang nhắm mục tiêu một cụm từ khóa cụ thể, hãy đảm bảo rằng nó đã được đưa vào URL. Tuy nhiên, đừng quá nhiệt tình bằng cách cố gắng nhồi nhét nhiều từ khóa chỉ nhằm hoàn toàn cho mục đích SEO. Điều quan trọng là phải coi chừng các từ khóa lặp lại trong các thư mục con khác nhau. Ví dụ: bạn có thể đã tự nhiên kết hợp một từ khóa vào URL trên trang, nhưng nếu nằm trong các thư mục khác cũng được tối ưu hóa với từ khóa đó, URL có thể bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của việc nhồi nhét từ khóa.

Ví dụ:

qmas.vn/dich-vu/thiet-ke-website/thiet-ke-website-thuong-mai-dien-tu

Việc lạm dụng từ khóa trong URL có thể xuất hiện spam và thao túng. Nếu bạn không chắc chắn liệu việc sử dụng từ khóa của bạn có quá tích cực hay không, chỉ cần đọc URL của bạn qua con mắt của người tìm kiếm và hỏi, "Điều này có tự nhiên không? Tôi có nhấp vào đây không?"

5. URL tĩnh

Các URL tốt nhất là những URL có thể dễ dàng được đọc bởi con người, vì vậy bạn nên tránh lạm dụng các tham số, số và ký hiệu. Sử dụng các công nghệ như mod_rewrite của Apache, ISAPI_rewrite của Microsoft, hay các file cấu hình của nginx, bạn có thể dễ dàng chuyển đổi các URL động như thế này:

qmas.vn/blog/post?id=12345

trở nên tĩnh & dễ đọc hơn như thế này:

qmas.vn/blog/seo-la-gi

6. Sử dụng dấu gạch ngang (-) để tách từ

Không phải tất cả các ứng dụng web đều diễn giải chính xác các dấu phân cách như dấu gạch dưới (_), dấu cộng (+) hoặc dấu cách (% 20). Các công cụ tìm kiếm cũng khó có thể hiểu được cách tách các từ trong URL khi chúng đi cùng nhau mà không có dấu phân cách (example.com/seolagi/). Thay vào đó, sử dụng ký tự dấu gạch nối (-) để phân tách các từ trong URL.

7. Phân biệt chữ hoa - chữ thường

Các URL nên tránh sử dụng chữ hoa. Thay vì qmas.vn/Dich-Vu/Thiet-Ke-Website, tốt hơn là sử dụng qmas.vn/dich-vu/thiet-ke-website. Nếu trang web bạn đang làm việc có nhiều URL chứa nhiều ký tự in hoa được lập chỉ mục, việc này có thể được xử lý đơn giản bằng cách sử dụng .htaccess file để biến mọi ký tự in hoa trở thành in thường.

8. Bộ chuyển đổi vị trí địa lý trên URL

Một số chủ doanh nghiệp địa phương bỏ qua các thuật ngữ địa lý mô tả vị trí thực tế hoặc khu vực dịch vụ của họ vì họ tin rằng các công cụ tìm kiếm có thể tự mình tìm ra điều này. Tuy nhiên có thể họ nên xem xet lại, điều quan trọng là nội dung, URL và các dữ liệu tĩnh của trang web doanh nghiệp địa phương phải đề cập cụ thể đến tên thành phố và các mô tả khu vực khác. Hãy để cả người tiêu dùng và công cụ tìm kiếm biết chính xác bạn đang ở đâu và bạn phục vụ ở đâu, thay vì chỉ dựa vào vị trí thực tế của bạn.

9. Giao thức: HTTP và HTTPS

Một giao thức của website là ký tự "http" hoặc "https" trước tên miền của bạn. Google khuyến nghị rằng tất cả các trang web đều nên sử dụng giao thức bảo mật ("s" trong "https" là viết tắt của "secure (an toàn)"). Để đảm bảo rằng các URL của bạn đang sử dụng giao thức https:// thay vì http://, bạn phải có chứng chỉ SSL (Lớp socket bảo mật). Chứng chỉ SSL được sử dụng để mã hóa dữ liệu. Chúng đảm bảo rằng mọi dữ liệu được truyền giữa máy chủ web và trình duyệt của người tìm kiếm luôn ở chế độ riêng tư. Kể từ tháng 7 năm 2018, Google Chrome hiển thị "không an toàn" cho tất cả các trang web không có HTTPS, điều này có thể khiến các trang web này xuất hiện không đáng tin cậy đối với khách truy cập và dẫn đến việc họ rời khỏi trang.

Kết chương

Nếu bạn đã đi xa đến đây, xin chúc mừng bạn đã vượt qua một nửa hành trình của Series SEO cho người mới bắt đầu! Cho đến nay, chúng ta đã tìm hiểu cách các công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu, lập chỉ mục và xếp hạng nội dung; cách tìm cơ hội từ khóa để nhắm mục tiêu và bây giờ, bạn biết các chiến lược SEO on-page có thể giúp các trang của bạn được tìm thấy và gây thu hút với cả người dùng lẫn công cụ tìm kiếm. Tiếp theo, bạn hãy cố gắng giữ các kiến thức đã học được trong đầu, bởi vì chúng ta sẽ hòa mình vào thế giới thú vị của các kỹ thuật SEO trong Chương 5!

Công ty TNHH Giải pháp Website & Ứng dụng phần mềm Quang Minh

🚩 Địa chỉ
Số 81 Võ Huy Tâm, Phường Cẩm Trung, Thành phố Cẩm Phả, Tỉnh Quảng Ninh
📞 Điện thoại
(0862) 814-787
💌 Email
[email protected]
🌐 Zalo OA
https://zalo.me/369605269295116980
🌐 Facebook
https://www.facebook.com/qmasdotvn/
🌐 Twitter