Nghiên cứu từ khóa

Chương 3: Nghiên cứu từ khóa

Ở chương trước, tôi hy vọng bạn đã nắm vững được cách đưa website có thể được hiển thị trong kết quả tìm kiếm. Ở chương này, chúng ta sẽ cùng nhau học cách để xác định từ khóa chiến lược nào cần nhắm mục tiêu cho trang web và cách tạo nội dung đó để làm thỏa mãn cả khách truy cập lẫn công cụ tìm kiếm.

Sức mạnh của việc nghiên cứu từ khóa nằm ở việc hiểu rõ hơn thị trường mục tiêu của bạn và cách họ đang tìm kiếm nội dung, dịch vụ hoặc sản phẩm của bạn.

Nghiên cứu từ khóa cung cấp cho bạn dữ liệu tìm kiếm cụ thể có thể giúp bạn trả lời các câu hỏi như:

  • Mọi người đang tìm kiếm cái gì?
  • Có bao nhiêu người đang tìm kiếm nó?
  • Họ muốn nhận được câu trả lời ở định dạng nào?

Trong chương này, bạn sẽ biết đến các công cụ và chiến lược để khám phá những thông tin đó, cũng như tìm hiểu các chiến thuật sẽ giúp bạn tránh các từ khóa yếu và xây dựng một nội dung mạnh mẽ. Khi bạn khám phá cách các khách hàng mục tiêu đang tìm kiếm nội dung của bạn, bạn sẽ bắt đầu khám phá một thế giới chiến lược SEO hoàn toàn mới!

Trước khi nghiên cứu từ khóa, hãy trả lời câu hỏi

Trước khi bạn có thể giúp website của một doanh nghiệp phát triển thông qua tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, trước tiên bạn phải hiểu doanh nghiệp đó là ai, khách hàng của họ là ai, và mục tiêu của họ.

Đây là cạm bẫy rất dễ mắc phải. Rất nhiều người bỏ qua bước lập kế hoạch quan trọng này. Thứ nhất là bởi nghiên cứu từ khóa cần có thời gian. Và thứ hai là câu hỏi tại sao lại phải dành thời gian để nghiên cứu từ khóa trong khi bạn cho rằng mình đã biết chính xác từ khóa nào cần tập trung để tăng xếp hạng?

Câu trả lời thật ra rất đơn giản. Đó là những gì bạn nghĩ và những gì khách hàng của bạn nghĩ thường là hai điều cực kỳ khác nhau. Tập trung vào khách hàng của bạn và sau đó sử dụng dữ liệu từ khóa để trau dồi những hiểu biết đó sẽ giúp cho các chiến dịch thành công hơn nhiều so với việc tập trung vào các từ khóa nảy ra từ suy nghĩ chủ quan của bạn.

Dưới đây là một ví dụ. Cửa hàng kem Mộc Lan đã nghe nói về SEO và muốn giúp cải thiện cách và tần suất họ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm tự nhiên của Google. Để giúp họ, trước tiên bạn cần hiểu thêm một chút về khách hàng của họ. Để làm như vậy, bạn có thể đặt các câu hỏi như:

  • Những loại kem, món tráng miệng, đồ ăn nhẹ, vv mà mọi người đang tìm kiếm?
  • Ai đang tìm kiếm các điều kiện này?
  • Khi nào mọi người tìm kiếm kem, đồ ăn nhẹ, món tráng miệng, vv?
  • Có xu hướng theo mùa trong năm hay không?
  • Mọi người đang tìm kiếm các cửa hàng kem như thế nào?
  • Họ dùng từ gì?
  • Họ hỏi gì?
  • Có nhiều tìm kiếm được thực hiện trên thiết bị di động hơn phải không?
  • Tại sao mọi người tìm kiếm kem?
  • Mọi người đang tìm kiếm kem nhiều dinh dưỡng & tốt cho sức khỏe hay chỉ tìm kiếm để đáp ứng một món ăn giải khát?
  • Khách hàng tiềm năng nằm ở đâu - địa phương, toàn quốc hay quốc tế?

Và cuối cùng - đây chính là cây chốt - làm thế nào bạn có thể cung cấp những nội dung hay nhất về kem để tạo ra một cộng đồng và thực hiện những gì mà tất cả mọi người đang tìm kiếm? Đặt ra những câu hỏi này là một bước lập kế hoạch quan trọng, là kim chỉ nam cho việc nghiên cứu từ khóa của bạn và giúp bạn tạo ra nội dung tốt hơn.

Mọi người đang tìm kiếm gì?

Bạn có thể có cách để mô tả những gì bạn làm, nhưng làm thế nào để khách hàng của bạn tìm thấy sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin bạn cung cấp? Trả lời câu hỏi này là bước quan trọng đầu tiên trong quy trình nghiên cứu từ khóa.

Khám phá các từ khóa

Trong tâm trí, hẳn bạn đã có một vài từ khóa muốn tập trung để tăng xếp hạng. Đó sẽ là những thứ như sản phẩm, dịch vụ của bạn hoặc các chủ đề khác mà website của bạn đang nhắm tới. Và tất nhiên, chúng là những seed keyword (từ khóa hạt giống) tuyệt vời cho nghiên cứu của bạn, vì vậy hãy bắt đầu từ đó!

Bạn có thể nhập các từ khóa đó vào một công cụ nghiên cứu từ khóa để khám phá lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng và các từ khóa tương tự. Chúng ta sẽ đưa vào khối lượng tìm kiếm sâu hơn trong phần tiếp theo, nhưng trong giai đoạn khám phá, nó có thể giúp bạn xác định các biến thể phổ biến nhất của từ khóa trong số những người tìm kiếm.

Khi bạn nhập các seed keyword của mình vào công cụ nghiên cứu từ khóa, bạn sẽ bắt đầu khám phá các từ khóa khác, câu hỏi phổ biến và chủ đề cho nội dung của bạn mà có thể bạn đã bỏ qua.

Lấy ví dụ về một người chuyên bán hoa đám cưới.

Nhập "đám cưới" và "hoa cưới" vào một công cụ nghiên cứu từ khóa, bạn có thể khám phá các cụm từ có liên quan cao, được tìm kiếm nhiều như:

  • Hoa cô dâu
  • Cửa hàng hoa cưới
  • Hoa cưới cầm tay cô dâu

Các từ khóa có liên quan được tìm kiếm nhiều hiển thị trong công cụ nghiên cứu từ khóa KWFinder

Trong quá trình khám phá các từ khóa có liên quan cho nội dung của mình, bạn có thể sẽ nhận thấy rằng lượng tìm kiếm của các từ khóa đó thay đổi rất nhiều. Mặc dù bạn chắc chắn muốn nhắm mục tiêu các cụm từ mà mọi người đang tìm kiếm, trong một số trường hợp, có thể có lợi hơn khi nhắm mục tiêu các cụm từ có lượng tìm kiếm thấp hơn vì chúng ít cạnh tranh hơn.

Vì cả từ khóa cạnh tranh cao và thấp đều có thể có lợi cho trang web của bạn, nên tìm hiểu thêm về lượng tìm kiếm có thể giúp bạn ưu tiên từ khóa và chọn từ khóa sẽ mang lại lợi thế chiến lược lớn nhất cho trang web của bạn.

Đa dạng hóa

Đa dạng hóa

Điều quan trọng cần lưu ý là không xếp hạng các từ khóa cho toàn website, mà là cho các trang cụ thể. Với các website lớn, chúng ta thường xếp hạng nhiều từ khóa cho trang chủ, nhưng đối với hầu hết các trang web thì không nằm trong trường hợp này. Nhiều trang web nhận được nhiều lưu lượng truy cập tự nhiên cho các trang khác ngoài trang chủ, đó là lý do tại sao việc đa dạng hóa trang web của bạn bằng cách tối ưu hóa từng trang cho các từ khóa có giá trị duy nhất lại vô cùng quan trọng.

Các từ khóa được tìm kiếm thường xuyên như thế nào?

Khám phá khối lượng tìm kiếm

Khối lượng tìm kiếm cho một từ khóa hoặc cụm từ khóa nào đó càng cao, khối lượng công việc để đạt được thứ hạng cao hơn sẽ càng nhiều do có sự cạnh tranh gay gắt. Điều này thường được gọi là độ khó từ khóa (keyword difficulty) và đôi khi kết hợp các SERP feature; ví dụ: nếu nhiều SERP feature (như mọi người cũng hỏi, biểu đồ thông tin, slider, v.v.) đang lấp đầy trang kết quả tìm kiếm của từ khóa, độ khó sẽ tăng lên. Các trang lớn thường chiếm 10 kết quả hàng đầu cho các từ khóa có khối lượng tìm kiếm lớn, vì vậy, nếu bạn chỉ bắt đầu trên web và theo đuổi các từ khóa tương tự, cuộc chiến khó khăn để xếp hạng có thể sẽ mất vài năm chiến đấu cật lực.

Thông thường, khối lượng tìm kiếm càng cao, sự cạnh tranh và nỗ lực cần thiết để đạt được thành công trong xếp hạng tự nhiên càng lớn. Tuy nhiên, khi khối lượng tìm kiếm quá thấp thì bạn cũng có nguy cơ không thu hút được bất kỳ người tìm kiếm nào truy cập vào trang web của mình. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể sẽ cần nhắm mục tiêu các từ khóa có độ chi tiết cao hơn, và ít sự cạnh tranh hơn. Trong SEO, chúng ta gọi đó là long-tail keyword.

Hiểu về Long-tail keyword?

Sẽ thật tuyệt khi xếp hạng số 1 cho từ khóa "giày" phải không?

Xử lý với các từ khóa có 50.000 tìm kiếm mỗi tháng hoặc thậm chí 5.000 tìm kiếm mỗi tháng hiển nhiên là tuyệt vời. Nhưng trên thực tế, các cụm từ tìm kiếm phổ biến này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tất cả các tìm kiếm được thực hiện trên web. Mà thay vào đó, các từ khóa có lượng tìm kiếm rất cao thì thậm chí lại có thể cho thấy một mục đích mơ hồ của những người tìm kiếm. Do đó nếu nhắm mục tiêu các từ khóa phổ biến này, bạn thể khiến bạn gặp rủi ro khi thu hút những khách truy cập có mục tiêu không phù hợp với nội dung mà trang web của bạn cung cấp.

Ví dụ với từ khóa "giày":

Màn hình trang kết quả tìm kiếm của từ khóa "Giày"

Với từ khóa này, liệu phải chăng người dùng đang tìm giày thời trang, giày đá bóng, giày trẻ em, cách tự làm một đôi giày, hay các hãng sản xuất giày? Tôi dám chắc ngoài chúa thì kể cả Google cũng không biết. Nhằm mục tiêu vào từ khóa "giày" có nghĩa là bạn cũng đang mơ hồ về chính website của mình.

Biểu đồ sau đây sẽ giúp bạn hình dung được khối lượng tìm kiếm của long-tail keyword là lớn đến mức nào:

Mô tả đường cong nhu cầu tìm kiếm giữa các dạng từ khóa. Hiển thị 'fat head' (các từ khóa hàng đầu có lưu lượng truy cập và cạnh tranh cao), 'chunky middle' (từ khóa trung bình có lưu lượng truy cập và cạnh tranh trung bình) và 'long-tail' (ít phổ biến hơn, cụm từ khóa dài hơn, có ít lưu lượng truy cập hơn, và cạnh tranh thấp hơn)

Bạn thấy sao? Đừng đánh giá thấp những từ khóa ít phổ biến này. Các long-tail keyword với khối lượng tìm kiếm thấp hơn thường mang lại chuyển đổi tốt hơn, bởi vì người tìm kiếm cụ thể hơn và hoàn toàn có chủ ý trong các tìm kiếm của họ. Ví dụ, một người tìm kiếm "giày" có lẽ chỉ là để xem qua. Trong khi đó, một người tìm kiếm "giày chạy bộ nữ size 38 màu đỏ giá tốt nhất" thực tế dễ dàng rút ví khi thấy chiếc giày cần tìm!

Tạo chiến lược với khối lượng tìm kiếm

Giờ đây, bạn đã phát hiện ra các cụm từ tìm kiếm có liên quan cho trang web của mình và khối lượng tìm kiếm tương ứng của chúng, bạn có thể có chiến lược sâu hơn nữa bằng cách xem xét các đối thủ cạnh tranh và tìm hiểu các tìm kiếm của người dùng có sự khác nhau như thế nào theo mùa hoặc theo vị trí.

Từ khóa đến từ đối thủ cạnh tranh

Bạn có thể vẽ ra rất nhiều từ khóa. Nhưng làm thế nào để bạn biết phải giải quyết từ khóa nào đầu tiên? Có thể là một ý tưởng tốt để ưu tiên các từ khóa có khối lượng lớn mà các đối thủ cạnh tranh của bạn hiện không được xếp hạng cao. Mặt khác, bạn cũng có thể xem những từ khóa nào trong danh sách mà đối thủ của bạn đã được xếp hạng cao và ưu tiên những từ khóa đó. Cách thứ nhất sẽ giúp bạn tận dụng những cơ hội đã bị bỏ lỡ bởi những đối thủ cạnh tranh của mình. Trong khi đó, cách thứ 2 lại là một chiến lược đầy táo bạo giúp bạn cạnh tranh các từ khóa mà đối thủ của bạn vẫn đang hoạt động tốt.

Từ khóa theo mùa

Biết về xu hướng theo mùa có thể là lợi thế trong việc thiết lập một chiến lược nội dung. Ví dụ: nếu bạn biết rằng những hộp giáng sinh bắt đầu tăng đột biến từ tháng 12 hàng năm, bạn có thể chuẩn bị trước nội dung cần thiết cung cấp cho nó một cú hích lớn trong khoảng thời gian đó.

Từ khóa theo vùng

Bạn có thể nhắm mục tiêu chiến lược hơn vào một vị trí cụ thể bằng cách thu hẹp nghiên cứu từ khóa của bạn vào các địa phương cụ thể trong Google Keyword Planner hoặc đánh giá "Sở thích theo tiểu vùng" trong Google Xu hướng. Nghiên cứu cụ thể về địa lý có thể giúp làm cho nội dung của bạn phù hợp hơn với khách hàng mục tiêu của bạn.

Định dạng nào phù hợp nhất với ý định của người tìm kiếm?

Trong Chương 2, chúng ta đã tìm hiểu về các SERP features. Nền tảng đó sẽ giúp chúng ta hiểu cách người tìm kiếm muốn sử dụng thông tin cho một từ khóa cụ thể. Định dạng mà Google chọn để hiển thị kết quả tìm kiếm tùy thuộc vào mục đích và mỗi truy vấn có một định dạng duy nhất. Google mô tả các ý định này trong Nguyên tắc người đánh giá chất lượng của họ như "know" (tìm kiếm thông tin), "do" (hoàn thành một mục đích), "website" (tìm một trang web cụ thể) hoặc "visit-in-person" (trực tiếp ghé thăm địa điểm kinh doanh).

Mặc dù có hàng ngàn loại tìm kiếm khả thi, nhưng hãy xem xét kỹ hơn năm loại mục đích chính:

1. Truy vấn thông tin: Người tìm kiếm cần thông tin về một vấn đề cụ thể, chẳng hạn như thông tin của một cầu thủ bóng đá hoặc chiều cao của Tòa nhà Landmark 81 tại Hồ Chí Minh.

Kết quả hiển thị trên SERP của truy vấn thông tin với từ khóa "landmark 81"

2. Truy vấn điều hướng: Người tìm kiếm muốn đến một địa điểm cụ thể trên Internet, chẳng hạn như Facebook hoặc trang chủ của QMAS.

Kết quả tìm kiếm trên SERP cho truy vấn điều hướng với từ khóa "qmas vn"

3. Truy vấn giao dịch: Người tìm kiếm muốn thực hiện một việc gì đó, chẳng hạn như mua vé máy bay hoặc nghe một bài hát.

Kết quả tìm kiếm trên SERP cho truy vấn giao dịch với từ khóa "vé máy bay đi đà nẵng"

4. Nghiên cứu thương mại: Người tìm kiếm muốn so sánh các sản phẩm và tìm ra sản phẩm tốt nhất cho nhu cầu cụ thể của họ.

Kết quả hiển thị trên SERP cho truy vấn nghiên cứu thương mại với từ khóa "android compare with ios"

5. Truy vấn địa phương: Người tìm kiếm muốn tìm một cái gì đó tại địa phương, chẳng hạn như một quán cà phê gần đó, bác sĩ hoặc địa điểm xem phim.

Kết quả hiển thị trên SERP cho truy vấn địa phương với từ khóa "cà phê gần đây"

Một bước rất quan trọng trong quy trình nghiên cứu từ khóa là khảo sát các kết quả hiển thị trên SERP cho từ khóa bạn muốn nhắm mục tiêu để có được đánh giá tốt hơn về ý định của người tìm kiếm. Nếu bạn muốn biết định dạng kết quả nào mà khách hàng mục tiêu của bạn quan tâm, hãy nhìn trên SERP! Bởi ở đó, Google đã đánh giá chặt chẽ hành vi của hàng nghìn tỷ tìm kiếm trong nỗ lực cung cấp nội dung mong muốn nhất cho mỗi từ khóa cụ thể.

Lấy trang kết quả tìm kiếm cho từ khóa "đầm dự tiệc" làm ví dụ:

Kết quả tìm kiếm cho từ khóa "đầm dự tiệc"

Kết quả này cho chúng ta thấy điều gì? Đó là việc hiển thị kết quả dưới dạng tìm kiếm địa phương cho thấy Google xác định rằng: đa số những người tìm kiếm từ khóa "đầm dự tiệc" sẽ có xu hướng tìm đến cửa hàng váy đầm ở gần để trực tiếp mua hàng.

Hay như với từ khóa "giày bé gái":

Kết quả tìm kiếm cho từ khóa "giày bé gái"

Nhìn vào trang kết quả, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng đa số người dùng tìm kiếm "giày bé gái" cũng sẽ xem những bức ảnh đẹp về giày cho bé gái của họ...

Trong trường hợp truy vấn tìm kiếm không rõ ràng, đôi khi Google cũng sẽ bao gồm thêm những lựa chọn để giúp người dùng chỉ định rõ ràng hơn những gì họ tìm kiếm. Bằng cách làm như vậy, công cụ tìm kiếm có thể cung cấp kết quả giúp người tìm kiếm nhận được kết quả tốt hơn.

Google có một loạt các định dạng kết quả mà chúng có thể phục vụ tùy thuộc vào truy vấn, vì vậy nếu bạn nhắm mục tiêu từ khóa, hãy tìm đến SERP để hiểu loại nội dung bạn cần tạo.

Các công cụ xác định giá trị của từ khóa

Bao nhiêu giá trị mà một từ khóa có thể thêm vào cho website của bạn? Những công cụ này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Do vậy, chúng sẽ là những sự bổ sung tuyệt vời trong quá trình nghiên cứu từ khóa của bạn.

  • Moz Keyword Explorer - Nhập từ khóa vào Keyword Explorer và bạn sẽ nhận được những thông tin vô cùng hữu ích như khối lượng tìm kiếm hàng tháng và các SERP feature được xếp hạng cho cụm từ đó. Công cụ này có khả năng trích xuất dữ liệu khối lượng tìm kiếm rất chính xác bởi nó sử dụng dữ liệu nhấp chuột trực tiếp.
  • Google Keyword Planner - Google AdWords Keyword Planner trước đây là điểm khởi đầu phổ biến nhất để nghiên cứu từ khóa SEO. Tuy nhiên, Keyword Planner không hạn chế dữ liệu khối lượng tìm kiếm bằng cách gộp các từ khóa lại với nhau vào các nhóm phạm vi khối lượng tìm kiếm lớn, do đó dễ gây ra những khó khăn và nhầm lẫn không đáng có.
  • Google Xu hướng - Công cụ xu hướng từ khóa của Google là tuyệt vời để tìm kiếm biến động từ khóa theo mùa. Ví dụ, từ khóa "ý tưởng trang phục halloween vui nhộn" thường ẽ đạt đỉnh trong vài tuần trước Halloween.
  • AnswerThePublic - Công cụ miễn phí này thường được tìm kiếm cho các câu hỏi xung quanh một từ khóa cụ thể. Bạn có thể sử dụng công cụ này song song với một công cụ miễn phí khác, Keywords Everywhere, để ưu tiên các đề xuất ATP, theo khối lượng tìm kiếm.
  • SpyFu Keyword Research Tool - Cung cấp một số dữ liệu thực sự gọn gàng về từ khóa cạnh tranh.

Kết

Bây giờ bạn đã biết cách khám phá những gì khách hàng mục tiêu của bạn đang tìm kiếm và tần suất tìm kiếm. Và giờ là lúc để chuyển sang bước tiếp theo: tạo các trang theo cách mà người dùng sẽ yêu thích và các công cụ tìm kiếm có thể hiểu. Hẹn gặp lại các bạn trong Chương 4: SEO On-page!

Công ty TNHH Giải pháp Website & Ứng dụng phần mềm Quang Minh

🚩 Địa chỉ
Số 81 Võ Huy Tâm, Phường Cẩm Trung, Thành phố Cẩm Phả, Tỉnh Quảng Ninh
📞 Điện thoại
(0862) 814-787
💌 Email
[email protected]
🌐 Zalo OA
https://zalo.me/369605269295116980
🌐 Facebook
https://www.facebook.com/qmasdotvn/
🌐 Twitter