Kỹ thuật SEO

Chương 5: Kỹ thuật SEO

Chào mừng bạn quay trở lại với series SEO cho người mới bắt đầu của QMAS. Ở chương 5 này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn những kiếm thức kỹ thuật cơ bản để giúp bạn tối ưu hóa trang web của mình cho các công cụ tìm kiếm và thiết lập sự tin tưởng với các nhà phát triển web. 

Đi qua các chương trước, chắc hẳn bây giờ bạn đã có thể tạo ra những nội dung có giá trị trên nền tảng vững chắc về nghiên cứu từ khóa của mình. Điều quan trọng, như đã nói, là đảm bảo rằng nó không chỉ có thể đọc được bởi các bộ máy tìm kiếm, mà còn thân thiện với người đọc - khách hàng của bạn!

Mặc dù bạn không cần phải có hiểu biết kỹ thuật sâu sắc về các khái niệm này, nhưng bạn vẫn cần phải nắm được chúng, để bạn có thể nói một cách dễ hiểu về chúng với các nhà phát triển website của bạn. Việc có thể làm cho nhà phát triển web của bạn hiểu rất quan trọng vì có thể bạn sẽ cần họ giúp bạn thực hiện một số tối ưu hóa SEO. Họ sẽ không thể làm được điều đó nếu họ không hiểu yêu cầu của bạn hoặc thấy đủ tầm quan trọng của nó.

SEO là công việc cần sự hỗ trợ tập thể

SEO là công việc cần sự hỗ trợ tập thể

Điều quan trọng là bạn phải có mối quan hệ tốt với các nhà phát triển web của bạn để có thể giải quyết thành công các thử thách SEO từ cả hai phía. Đừng để một vấn đề kỹ thuật gây ra sự cố SEO tiêu cực xảy ra do có liên quan đến các đoạn code không hợp lý của các nhà phát triển. Thay vào đó, hãy trở thành một phần trong quá trình xây dựng, lập kế hoạch với mục tiêu tránh hoàn toàn các vấn đề mà bạn đã biết. Nếu bạn không, nó có thể khiến bạn mất thời gian và tiền bạc sau này.

Ngoài hỗ trợ nhóm, việc hiểu được tối ưu hóa kỹ thuật cho SEO là điều cần thiết nếu bạn muốn đảm bảo rằng các trang web của bạn được cấu trúc tốt cho cả khách truy cập và bộ máy tìm kiếm. Để giúp bạn dễ dàng tìm hiểu, chúng tôi sẽ chia chương này thành ba phần:

Vì cấu trúc kỹ thuật của một trang web có thể có tác động lớn đến hiệu năng của nó, nên mọi người đều cần hiểu được những nguyên tắc này. Cũng có thể là một ý tưởng tốt để bạn chia sẻ phần nội dung của chương này với các lập trình viên, người viết nội dung và nhà thiết kế của bạn, để tất cả các bên có được sự liên quan đến việc xây dựng một trang trên website.

Website làm việc như thế nào?

Nếu tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là quá trình tối ưu hóa một trang web để gia tăng khả năng xuất hiện trên trang tìm kiếm, Các SEOer ít nhất cần có một sự hiểu biết cơ bản về điều mà họ đang cố gắng tối ưu hóa!

Dưới đây, chúng tôi phác thảo hành trình hoạt động của một trang web từ việc mua tên miền cho đến khi được xuất hiện đầy đủ trong trình duyệt của khách truy cập. Một thành phần quan trọng trong hành trình của trang web là cách nó được hiển thị, đó là quá trình trình duyệt biến mã của trang web thành một trang với các hình ảnh, chữ... có thể xem được.

Biết điều này về các trang web rất quan trọng với các SEOer vì một vài lý do sau đây:

  • Các bước trong quy trình lắp ráp trang web này có thể ảnh hưởng đến thời gian tải trang. Và tốc độ không chỉ quan trọng để giữ người dùng trên trang web của bạn, mà còn là một trong những yếu tố xếp hạng quan trọng của Google.
  • Google dựng một số tài nguyên nhất định, như JavaScript, trên "lần thử thứ hai". Có nghĩa là, Google sẽ xem xét trang mà không có JavaScript trước, sau đó vài ngày cho đến vài tuần sau, nó sẽ hiển thị trang đầy đủ bao gồm cả JavaScript. Điều này sẽ dẫn đến việc các yếu tố quan trọng trong SEO được thêm vào trang bằng JavaScript có thể sẽ không được lập chỉ mục.

Hãy tưởng tượng rằng quá trình tải trang web cũng giống như là việc bạn đi từ nhà đến văn phòng vậy. Lúc đầu bạn đang ở nhà, sau đó bạn thu xếp đồ đạc để mang đến văn phòng, và cuối cùng là cố gắng chọn cho mình con đường nhanh nhất để đi đến nơi làm việc. Đó luôn là cách đơn giản mà hiệu quả nhất. Sẽ thật ngớ ngẩn khi bạn chỉ mang một chiếc giày thay vì cả đôi, đi một con đường dài hơn, bỏ đồ ở văn phòng, sau đó ngay lập tức trở về nhà để lấy nốt chiếc giày còn lại. Phải không?

Đó là những gì các trang web có tổ chức SEO không hiệu quả làm: khiến công cụ tìm kiếm phải mất nhiều thời gian, nhiều lần ghé thăm để thu thập được đầy đủ dữ liệu trong khi đáng lẽ ra chỉ cần làm trong một lần duy nhất.

Để tránh điều đó, chương này sẽ hướng dẫn bạn cách chẩn đoán những vấn đề khiến SEO không hiệu quả trên trang web của bạn, và bạn có thể làm gì để cải thiện những vấn đề đó.

Trước khi một website có thể được truy cập, nó cần phải được thiết lập!

  1. Tên miền đã được mua. Các tên miền như qmas.vn được mua từ một công ty đăng ký tên miền như Nhân hòa hay Mắt bão. Các nhà đăng ký này chỉ là các tổ chức quản lý việc mua bán tên miền.
  2. Tên miền được liên kết với địa chỉ IP. Internet không hiểu các tên như "qmas.vn" là địa chỉ trang web mà không có sự trợ giúp của máy chủ tên miền (DNS). Internet sử dụng một loạt các số được gọi là địa chỉ giao thức Internet (IP) (ví dụ: 123.456.789). Nhưng chúng ta, tất nhiên là không muốn phải truy cập vào các dãy số lằng nhằng đó, mà muốn sử dụng các tên như qmas.vn vì nó dễ nhớ hơn. Để làm được việc này, chúng ta cần sử dụng DNS để liên kết những tên có thể đọc được với con người với các số có thể đọc được bằng máy.

Website đi từ máy chủ đến trình duyệt như thế nào?

  1. Người dùng truy cập tên miền. Bởi lẽ tên miền được liên kết với một địa chỉ IP thông qua DNS, mọi người có thể truy cập một trang web bằng cách nhập tên miền trực tiếp vào trình duyệt của họ hoặc bằng cách nhấp vào liên kết đến trang web.
  2. Trình duyệt tạo yêu cầu. Sau khi người dùng truy cập tên miền, trình duyệt sẽ gửi yêu cầu tra cứu DNS để chuyển đổi tên miền thành địa chỉ IP của nó. Sau khi có dãy địa chỉ IP này, trình duyệt sẽ gửi yêu cầu tới cho máy chủ có địa chỉ IP đó.
  3. Máy chủ gửi tài nguyên. Khi máy chủ nhận được yêu cầu từ trình duyệt, nó sẽ gửi các đoạn mã và hoặc file (HTML, CSS, Javascript v.v...) về lại cho trình duyệt.
  4. Trình duyệt dựng hình trang web. Trình duyệt hiện đã nhận được các tài nguyên từ máy chủ, và nó cần kết hợp tất cả lại với nhau để hiển thị trang web cho người dùng có thể nhìn thấy trong trình duyệt của họ. Khi trình duyệt phân tích và sắp xếp tất cả các tài nguyên của trang web, nó sẽ tạo Mô hình Đối tượng Tài liệu (DOM). DOM là những gì bạn có thể thấy khi bạn nhấp chuột phải vào bất kỳ đâu trên trang web và bấm chọn "Kiểm tra phần tử".
  5. Trình duyệt tạo các yêu cầu cuối. Trình duyệt sẽ chỉ hiển thị một trang web sau khi tất cả các mã cần thiết được tải xuống, phân tích cú pháp và thực thi. Vì vậy tại thời điểm này, nếu trình duyệt cần bất kỳ đoạn mã bổ sung nào để hiển thị trang web của bạn, nó sẽ tiếp tục gửi các yêu cầu bổ sung tới máy chủ.
  6. Trang web xuất hiện trong trình duyệt. Phù! Sau tất cả, trang web của bạn hiện đã được dựng thành công từ mã thành những gì bạn thấy trong trình duyệt của mình.

Hãy nói với các nhà phát triển về công nghệ async

Hãy nói với các nhà phát triển về công nghệ async

Một thứ mà bạn có thể đề nghị với các lập trình viên web của mình là cần rút ngắn thời gian tải trang bằng cách sử dụng chỉ thị "async" trong các thẻ script chứa các đoạn mã không cần thiết để dựng nội dung trong màn hình đầu tiên. Async nói với DOM rằng nó có thể tiếp tục được dựng trong khi trình duyệt đang tìm nạp các tập lệnh cần thiết để hiển thị trang web mà không cần phải chờ cho đến khi tài nguyên được tải xong. Nếu DOM phải tạm dừng việc dựng trang mỗi khi trình duyệt tìm nạp các file script (được gọi là "render-blocking scripts"), thì về cơ bản nó có thể làm website của bạn tải chậm hơn. Bạn cũng có thể muốn đưa ra các tối ưu hóa khác mà các lập trình viên có thể thực hiện để rút ngắn thời gian này, chẳng hạn như loại bỏ hoàn toàn các tập lệnh không cần thiết, như đoạn mã Google Analytics đã cũ chẳng hạn...

OK! Bây giờ bạn đã hiểu làm thế nào mà khi gõ một địa chỉ URL thì sẽ có ngay một website được hiển thị trên trình duyệt cho bạn. Tiếp theo, bạn sẽ cần hiểu những gì làm nên một trang web (các ngôn ngữ lập trình để dựng hình cho website).

Có 3 thứ phổ biến nhất bao gồm:

  • HTML - Website nói về cái gì? (thẻ title, thẻ meta description, nội dung, v.v...)
  • CSS - Website sẽ trông như thế nào? (màu sắc, font chữ, các khung, viền, v.v....)
  • Javascript - Website hành xử thế nào? (tương tác với khách truy cập, nội dung động, v.v...)

Tại sao lại nói 3 "thứ" mà không phải là 3 ngôn ngữ lập trình? Bởi trong danh sách trên, chỉ có Javascript được coi là một ngôn ngữ lập trình. HTML CSS thì không hẳn, HTML chỉ là cấu trúc trang web còn CSS là thông tin về kiểu dáng của nó.

HTML: Website nói về cái gì?

HTML là viết tắt của HyperText Markup Language (ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản) và đóng vai trò như là xương sống của một trang web. Các phần tử như tiêu đề, đoạn văn, danh sách và nội dung đều được xác định trong HTML.

Dưới đây, một ví dụ về một trang web và HTML tương ứng của nó trông như thế nào:

Một đoạn mã nguồn website đơn giản và giao diện tương ứng sẽ hiển thị trên trình duyệt

Để trở thành một SEOer, bạn chắc chắn sẽ cần phải biết - ít nhất là ở mức cơ bản - về HTML. Đó là những gì tồn tại "phía sau cánh gà" của bất kỳ website nào. Google thu thập các phần tử HTML này để xác định mức độ phù hợp của trang web với một truy vấn cụ thể. Nói cách khác, những gì trong HTML của bạn đóng một vai trò vô cùng to lớn trong cách trang web của bạn được xếp hạng trong tìm kiếm tự nhiên của Google!

CSS - Website sẽ trông như thế nào?

CSS là viết tắt của Cascading Style Sheets (tập tin định kiểu theo tầng), và chúng là nguyên nhân làm cho các trang web của bạn có các phông chữ, màu sắc và bố cục khác nhau. HTML được tạo ra để mô tả nội dung, không phải để tạo kiểu dáng cho nó. Vì vậy khi CSS xuất hiện, nó chính là kẻ thay đổi cuộc chơi.

Với CSS, các trang web có thể được "làm đẹp" mà không yêu cầu viết mã kiểu thủ công vào HTML của mỗi trang - vốn là một quy trình rườm rà và mất thời gian, đặc biệt là đối với các trang web lớn.

Mãi đến năm 2014, hệ thống lập chỉ mục của Google mới bắt đầu hiển thị các trang web giống như một trình duyệt thực tế, trái ngược với trình duyệt chỉ có văn bản như trước đây. Ở thời điểm đó, một trong những cách làm của các SEO mũ đen để cố gắng tận dụng hệ thống lập chỉ mục chưa hoàn thiện của Google là ẩn văn bản và liên kết qua CSS với mục đích thao túng thứ hạng của công cụ tìm kiếm. Thực tiễn "văn bản và liên kết ẩn" này hiện nay đã không còn được sử dụng do vi phạm nguyên tắc chất lượng của Google.

Với CSS, các tính năng mà dân SEO cần đặc biệt quan tâm, đó là:

  • Các chỉ thị tạo kiểu dáng cho website có thể nằm bên ngoài mã HTML làm cho trang của bạn bớt nặng mã, giảm kích thước tệp và giúp thời gian tải nhanh hơn.
  • Các trình duyệt vẫn phải tải xuống các tài nguyên bên ngoài như tệp CSS, vì vậy việc nén chúng lại có thể khiến các trang web của bạn tải nhanh hơn và tốc độ trang là một yếu tố xếp hạng khá nặng ký.
  • Việc các trang trên website của bạn có nhiều nội dung hơn là mã nguồn có thể dẫn đến việc lập chỉ mục tốt hơn cho nội dung của bạn.
  • Sử dụng CSS để ẩn các liên kết và nội dung có thể khiến trang web của bạn bị phạt thủ công và bị xóa khỏi chỉ mục của Google.

Javascript - Website hành xử như thế nào?

Trong những ngày đầu của Internet, các trang web chỉ đơn thuần được xây dựng bằng HTML. Khi CSS xuất hiện, nội dung trang web bắt đầu có khả năng mang một phong cách nào đó. Và khi ngôn ngữ lập trình JavaScript được sinh ra, các trang web giờ đây không chỉ có cấu trúc và kiểu dáng, mà chúng còn có thể linh động.

JavaScript đã mở ra rất nhiều cơ hội để tạo trang web có tính tương tác cao. Khi ai đó truy cập một trang web được cải tiến bằng ngôn ngữ lập trình này, trình duyệt của người dùng đó sẽ thực thi các hành động JavaScript dựa trên mã HTML mà máy chủ trả về, dẫn đến một trang web trở nên sống động với vô số loại tương tác.

Bạn chắc chắn đã thấy JavaScript hoạt động - chỉ là do bạn chưa biết đến nó mà thôi! Đó là bởi vì JavaScript có thể làm hầu hết mọi thứ cho một trang web. Ví dụ, nó có thể tạo ra một cửa sổ bật lên (như nút bấm Yêu cầu hỗ trợ trên website của QMAS), hoặc có thể yêu cầu tài nguyên của bên thứ ba như việc hiển thị quảng cáo trên các trang web.

Biên dịch phía máy chủ và biên dịch phía máy khách

Có rất nhiều lợi ích là vậy, tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách, JavaScript có thể gây ra một số vấn đề cho SEO, do các công cụ tìm kiếm không xem JavaScript giống như cách mà khách truy cập của bạn xem. Đó là vì có sự khác biệt giữa biên dịch phía máy chủ so với biên dịch phía máy khách. Trong khi một mặt thì hầu hết JavaScript đều được thực thi trong trình duyệt của máy khách. Thì ở mặt khác, với biên dịch phía máy chủ, các file được thực thi tại máy chủ và máy chủ sẽ gửi chúng đến trình duyệt ở trạng thái được hiển thị đầy đủ.

Các yếu tố quan trọng về SEO của trang như văn bản, liên kết và thẻ tag được tải bên phía máy khách bằng JavaScript, thay vì được thể hiện trong HTML của bạn, sẽ ẩn với mã của trang cho đến khi chúng được hiển thị. Điều này có nghĩa là các trình thu thập của công cụ tìm kiếm sẽ không nhìn thấy những gì trong JavaScript của bạn - ít nhất là không phải ban đầu.

Mặc dù Google cũng đã nói rằng, miễn là bạn không chặn Googlebot thu thập dữ liệu tệp JavaScript của mình, nhìn chung họ có thể biên dịch và hiểu các trang web của bạn giống như trình duyệt có thể, điều đó có nghĩa là Googlebot sẽ thấy những điều tương tự như người dùng đang xem một trang web trong trình duyệt của họ. Tuy nhiên, do các yếu tố kỹ thuật, Google có thể bỏ lỡ một số yếu tố chỉ khả dụng khi JavaScript được thực thi.

Ngoài ra còn có một số điều khác có thể dẫn đến sai sót trong quá trình hiển thị các trang web của Googlebot, điều này có thể ngăn Google hiểu những gì có trong JavaScript của bạn:

  • Bạn đã chặn Googlebot truy cập các tài nguyên JavaScript (ví dụ: với robot.txt, như chúng ta đã tìm hiểu trong Chương 2).
  • Máy chủ của bạn không thể xử lý tất cả các yêu cầu thu thập nội dung từ phía Googlebot.
  • JavaScript quá phức tạp hoặc quá lỗi thời để Googlebot có thể hiểu.
  • JavaScript không "lazy load" nội dung vào trang cho đến khi trình thu thập thông tin kết thúc với trang hiện tại và tiếp tục di chuyển sang các trang khác.

Những điều này càng chỉ ra rằng, trong khi JavaScript mở ra rất nhiều khả năng để tạo một trang web ấn tượng & hấp dẫn, nó cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho SEO của trang nếu bạn không cẩn thận.

Rất may, có một cách để kiểm tra xem Google có thấy điều tương tự với khách truy cập của bạn hay không. Để biết Googlebot xem trang của bạn như thế nào, hãy sử dụng công cụ "Kiểm tra URL" của Google Search Console. Chỉ cần dán URL trang của bạn vào thanh tìm kiếm rồi bấm Enter:

Copy & dán URL của trang bạn muốn kiểm tra vào khung tìm kiếm của Google Search Console

Khi trang kết quả xuất hiện, bấm nút Test Live URL:

Bấm nút Test Live URL trên trang kết quả tìm kiếm của Google Search Console

Đợi một lát để Google thu thập dữ liệu từ URL này. Sau khi có kết quả, bạn bấm nút View Tested Page để xem trang đã được thu thập và biên dịch như thế nào.

Bấm nút View Tested Page để xem kết quả của Googlebot

Cuối cùng, bấm chọn tab Screenshot để xem Googlebot Smartphone đã biên dịch trang như thế nào:

Bấm chọn tab Screenshot để xem Googlebot Smartphone đã biên dịch trang như thế nào

Tại đây, bạn sẽ thấy Googlebot nhìn thấy trang của bạn như thế nào so với cách mà khách truy cập có thể thấy. Trong tab "More Info", Google cũng hiển thị cho bạn danh sách mọi tài nguyên mà họ đã không thể truy cập đối với URL bạn đã nhập.

Hiểu cách thức hoạt động của các trang web tạo ra một nền tảng tuyệt vời cho những gì chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp theo: tối ưu hóa kỹ thuật để giúp Google hiểu các trang trên trang web của bạn tốt hơn.

Làm thế nào các công cụ tìm kiểm hiểu được website?

Hãy thử đặt mình vào vị trí của 1 công cụ tìm kiếm và bạn phải thu thập dữ liệu bằng cách quét một bài viết có 10.000 từ về chủ đề cách nướng bánh. Làm thế nào để bạn xác định được tác giả, công thức, thành phần, hoặc các bước cần thiết để nướng bánh? Đây là nơi Schema markup xuất hiện. Nó cho phép bạn cung cấp công cụ phân loại cho công cụ tìm kiếm để khai báo cụ thể hơn cho loại thông tin nào trên trang của bạn.

Schema là một cách để gắn nhãn hoặc sắp xếp nội dung của bạn để các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về các yếu tố nhất định trên các trang web của bạn. Mã này cung cấp cấu trúc cho dữ liệu của bạn, đó là lý do tại sao nó thường được gọi là "dữ liệu có cấu trúc". Quá trình cấu trúc dữ liệu của bạn được gọi là markup (đánh dấu) vì bạn đang đánh dấu nội dung của mình bằng các đoạn mã có tổ chức.

JSON-LD là schema markup ưa thích của Google (được công bố vào tháng 5/2016), mà Bing cũng đã hỗ trợ. Để xem danh sách đầy đủ của hàng ngàn đánh dấu lược đồ có sẵn, hãy truy cập Schema.org hoặc xem Giới thiệu của Google về Dữ liệu có cấu trúc tới các nhà phát triển để biết thêm thông tin về cách triển khai dữ liệu có cấu trúc. Sau khi bạn triển khai dữ liệu có cấu trúc phù hợp nhất với các trang web của mình, bạn có thể kiểm tra đánh dấu của mình bằng Công cụ kiểm tra dữ liệu có cấu trúc của Google.

Ngoài việc giúp các crawler bot như Google hiểu nội dung của website cụ thể là gì, Schema markup cũng có thể cho phép trang của bạn xuất trên trên trang kết quả tìm kiếm dưới hình thức của một featured snippet như:

  • Top Stories carousels
  • Điểm đánh giá chất lượng
  • Tìm kiếm trực tiếp trên website trong trang SERP
  • Công thức làm một thứ gì đó

Nhưng hãy nhớ rằng, tất cả chỉ là có thể mà thôi. Google có thể sử dụng các Schema markup trong mã nguồn website của bạn để hiển thị dưới dạng một featured snippet, cũng có thể không. Chẳng có gì đảm bảo cả.

Tuy nhiên, có một vài lời khuyên mà bạn nên cân nhắc để tăng khả năng được Google sử dụng:

  • Bạn có thể sử dụng nhiều loại schema markup trên một trang. Tuy nhiên, nếu bạn đánh dấu một yếu tố, như một sản phẩm chẳng hạn, và có những sản phẩm khác, như các sản phẩm có liên quan, cross sell, up-sell, v.v... được liệt kê trên trang, bạn cũng phải đánh dấu những sản phẩm đó.
  • Không đánh dấu nội dung mà khách truy cập không nhìn thấy, và luôn phải tuân theo Nguyên tắc chất lượng của Google. Ví dụ: nếu bạn thêm schema markup về đánh giá sản phẩm vào một trang, hãy đảm bảo rằng các đánh giá đó thực sự được hiển thị trên trang đó.
  • Nếu bạn có các trang trùng lặp, Google yêu cầu bạn đánh dấu từng trang trùng lặp với đánh dấu có cấu trúc của bạn, không chỉ là phiên bản gốc.
  • Cung cấp nội dung gốc và cập nhật (nếu có) trên các trang dữ liệu có cấu trúc của bạn.
  • Dữ liệu Schema markup phải phản ánh chính xác nội dung của trang web.
  • Cố gắng sử dụng loại schema markup cụ thể nhất cho nội dung của bạn.
  • Các schema markup về đánh giá (review) phải không được viết bởi chính tác giả. Chúng phải là những đánh giá từ những khách hàng thực tế.

Nói với công cụ tìm kiếm về trang nội dung gốc

Khi Googlebot thu thập cùng một nội dung trên các trang web khác nhau, đôi khi nó cũng không biết trang nào sẽ được lập chỉ mục trong kết quả tìm kiếm. Đây là lý do tại sao thẻ rel="canonical" được sinh ra: nó giúp các công cụ tìm kiếm lập chỉ mục tốt hơn phiên bản nội dung gốc và không phải tất cả các bản sao của nó.

Thẻ rel="canonical" cho phép bạn thông báo cho các công cụ tìm kiếm biết về nơi đặt phiên bản gốc của một phần nội dung. Về cơ bản, bạn đang nói: "Này công cụ tìm kiếm! Đừng lập chỉ mục trang này; thay vào đó hãy lập chỉ mục trang ở nguồn này". Vì vậy, nếu bạn muốn tái xuất bản lại một phần nội dung, dù đã được sửa đổi lại hay chưa, nhưng không muốn mạo hiểm tạo nội dung trùng lặp, thẻ canonical sẽ giúp bạn.

<link rel="canonical" href="http://example.com/day-la-url-cua-trang-noi-dung-goc" />

Canonical đúng cách đảm bảo rằng mỗi phần nội dung duy nhất trên trang web của bạn chỉ có một URL. Để ngăn công cụ tìm kiếm lập chỉ mục nhiều phiên bản của một trang, Google khuyên bạn nên có thẻ canonical trên mọi trang trên website của bạn. Nếu không có thẻ này để giúp Google biết phiên bản trang web nào của bạn là phiên bản gốc, https://www.example.com có thể được lập chỉ mục cùng với https://example.com, và sẽ tạo các nội dung trùng lặp trên website.

"Tránh trùng lặp nội dung" là một sự thật trên Internet và hoàn toàn chính đáng! Google muốn thưởng cho các trang web có nội dung độc đáo, có giá trị - không phải nội dung được lấy từ các nguồn khác và được lặp lại trên nhiều trang. Vì các công cụ muốn cung cấp trải nghiệm tìm kiếm tốt nhất, nên chúng sẽ hiếm khi hiển thị nhiều phiên bản của cùng một nội dung, thay vào đó chỉ chọn hiển thị phiên bản chuẩn, hoặc nếu không tồn tại thẻ canonical, bất kỳ phiên bản nào chúng coi là phiên bản gốc.

Phân biệt giữa lọc & phạt

Phân biệt giữa lọc & phạt

Google không có hình phạt nào cho các trang có nội dung trùng lặp. Tuy nhiên, bạn nên cố gắng giữ cho nội dung trùng lặp không gây ra sự cố lập chỉ mục bằng cách sử dụng thẻ rel="canonical" khi có thể. Khi các bản sao của một trang tồn tại, Google sẽ chọn một trang làm gốc và loại các trang khác ra khỏi kết quả tìm kiếm. Điều đó không có nghĩa là bạn đã bị phạt. Điều đó chỉ có nghĩa là Google chỉ muốn hiển thị một phiên bản nội dung mà thôi.

Khách truy cập tương tác với website như thế nào?

Trong Chương 1, chúng ta đã nói rằng mặc dù SEO đại diện cho tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, SEO cũng là để tối ưu hóa việc tương tác giữa người dùng với website của bạn. Đó là bởi vì các công cụ tìm kiếm tồn tại để phục vụ người tìm kiếm. Mục tiêu này giúp giải thích lý do tại sao thuật toán của Google lại thưởng cho các trang web cung cấp trải nghiệm tốt nhất có thể cho người tìm kiếm và tại sao một số trang web, mặc dù có những phẩm chất như hồ sơ backlink mạnh mẽ, có thể không hoạt động tốt trong tìm kiếm.

Khi chúng ta hiểu những gì làm cho trải nghiệm duyệt web được tối ưu, chúng ta có thể tạo những trải nghiệm đó để có hiệu suất tìm kiếm tối đa.

Đảm bảo trải nghiệm tốt trên các thiết bị di động

Vì hơn một nửa lưu lượng truy cập web hiện nay đến từ thiết bị di động, sẽ an toàn khi nói rằng trang web của bạn hoàn toàn dễ dàng truy cập và điều hướng đối với người dùng các thiết bị di động. Vào tháng 4 năm 2015, Google đã tung ra bản cập nhật cho thuật toán của mình nhằm tưởng thưởng cho các website thân thiện với thiết bị di động so với các trang không có được điều này. Vậy làm thế nào bạn có thể đảm bảo rằng trang web của bạn thân thiện với thiết bị di động? Mặc dù có ba cách chính để cấu hình website cho thiết bị di động, Google khuyên bạn nên sử dụng responsive layout (giao diện đáp ứng linh hoạt).

Responsive layout

Các trang web có giao diện đáp ứng linh hoạt được thiết kế để phù hợp với màn hình của bất kỳ loại thiết bị nào mà khách truy cập đang sử dụng. Bạn có thể sử dụng CSS để làm cho trang web "phản hồi" với kích thước thiết bị. Điều này rất lý tưởng vì nó giúp khách truy cập không cần phải phải nhấn đúp hoặc phóng to/thu nhỏ để xem nội dung trên các trang web. Nếu không chắc chắn các trang web của bạn đã thân thiện với thiết bị di động, bạn có thể sử dụng công cụ kiểm tra tính thân thiện với đi động của Google!

Giao diện trên Desktop và giao diện trên Mobile được thiết kế theo giao diện đáp ứng linh hoạt trên mobile

AMP

AMP là viết tắt của Accelerated Mobile Pages và được sử dụng để phân phối nội dung cho khách truy cập trên thiết bị di động với tốc độ lớn hơn nhiều so với phân phối không phải AMP. AMP có thể phân phối nội dung nhanh như vậy vì nó phân phối nội dung từ các máy chủ cache của nó (không phải trang web gốc) và sử dụng phiên bản AMP đặc biệt của HTML và JavaScript.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về AMP tại đây.

Bạn muốn sở hữu một website có phiên bản AMP?

Bạn muốn sở hữu một website có phiên bản AMP?

Để thiết kế một website có đầy đủ phiên bản gốc và phiên bản AMP không phải là chuyện đơn giản. QMAS là một trong những dịch vụ hiếm hoi tại Quảng Ninh có khả năng thiết kế cho bạn một website như vậy. Lợi ích của AMP là vô cùng to lớn, do đó, đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.

Cải thiện tốc độ tải trang

Google muốn phục vụ những nội dung có tốc độ tải càng nhanh càng tốt. Mọi người dùng đều mong đợi các trang web sẽ có tốc độ tải nhanh chóng. Và nếu không hài lòng về tốc độ tải của một trang web nào đó, họ sẽ nhanh chóng quay lại SERP để tìm kiếm một lựa chọn tốt hơn, nhanh hơn. Đây là lý do tại sao tốc độ trang là một khía cạnh quan trọng của SEO. Chúng ta có thể cải thiện tốc độ của các trang web của mình bằng cách tận dụng các công cụ như tôi sẽ đề cập dưới đây. Bạn hãy bấm chuột vào mỗi liên kết để tìm hiểu và sử dụng chúng.

Hình ảnh là một trong những thủ phạm chính gây tình trạng trang tải chậm

Như đã thảo luận trong Chương 4, hình ảnh là một trong những lý do hàng đầu khiến các trang web tải chậm! Ngoài việc hình ảnh cần được nén lại, tối ưu hóa văn bản thay thế hình ảnh, chọn định dạng hình ảnh phù hợp và gửi sơ đồ trang web hình ảnh, có nhiều kỹ thuật khác để tối ưu hóa tốc độ và cách hiển thị hình ảnh cho người dùng của bạn. Trong đó có 2 cách chính thường được sử dụng:

1.  SRCSET: cung cấp kích thước hình ảnh tốt nhất cho từng thiết bị

Thuộc tính SRCSET cho phép bạn có nhiều phiên bản hình ảnh của mình và sau đó chỉ định phiên bản nào sẽ được sử dụng trong các tình huống khác nhau. Đoạn mã này được thêm vào thẻ <img> để cung cấp hình ảnh duy nhất cho các thiết bị có kích thước cụ thể.

Điều này giống như khái niệm về thiết kế giao diện linh hoạt mà chúng ta đã thảo luận trước đó!

Sử dụng thuộc tính không chỉ tăng tốc thời gian tải hình ảnh, đây cũng là cách duy nhất để nâng cao trải nghiệm người dùng trên trang của bạn bằng cách cung cấp hình ảnh khác nhau và tối ưu cho các loại thiết bị khác nhau.

2. Sử dụng lazy-loading

Lazy-loading xảy ra khi bạn truy cập trang web và thay vì nhìn thấy một khoảng trắng trống đáng lẽ là một hình ảnh sẽ xuất hiện, thì lại là một phiên bản có kích thước rất nhẹ của hình ảnh đó hoặc một hộp màu. Sau vài giây, hình ảnh gốc rõ ràng tải ở độ phân giải đầy đủ sẽ được tải và đè vào đó. Nền tảng blog phổ biến Medium thực hiện điều này thực sự tốt.

Phiên bản độ phân giải thấp được tải ban đầu và sau đó là phiên bản có độ phân giải cao đầy đủ. Điều này giúp các hình ảnh có kích thước lớn không hề gây ra sự nặng nề cho trang web và gây ảnh hưởng đến tốc độ tải của nó! Ngoài ra, hoạt cảnh này cũng giúp cho người dùng biết rằng mọi thứ vẫn đang xảy ra / đang được tải. Để biết thêm thông tin về cách bạn nên sử dụng lazy-loading như thế nào, hãy xem Hướng dẫn của Google.

Cải thiện tốc độ bằng cách nén các file tĩnh

Các công cụ đo lường tốc độ tải trang thường đưa ra các đề xuất như minify resource (tối thiểu hóa tài nguyên). Nhưng điều đó thực sự có nghĩa là gì? Đó là giảm tối đa dung lượng của một tập tin  bằng cách loại bỏ những thứ như ngắt dòng và dấu cách, v.v... cũng như viết tắt tên biến bất cứ khi nào có thể.

Bundle (đóng gói) là một thuật ngữ phổ biến khác mà bạn sẽ nghe nói để cải thiện tốc độ trang. Đây là quá trình kết hợp một loạt các tệp khác nhau thành một tệp duy nhất. Ví dụ: nhiều tệp JavaScript có thể được gói gọn vào một tệp lớn hơn để giảm số lượng truy vấn cho trình duyệt.

Bằng cách thu nhỏ và đóng gói các tệp cần thiết trong quá trình xây dựng trang web của bạn, bạn sẽ tăng tốc trang web của mình và giảm số lượng yêu cầu HTTP của trình duyệt.

Cải thiện trải nghiệm cho khách quốc tế

Các trang web nhắm mục tiêu đối tượng từ nhiều quốc gia nên làm quen với các cách thức tốt nhất về SEO quốc tế để phục vụ những trải nghiệm phù hợp nhất. Nếu không có những tối ưu hóa này, khách truy cập quốc tế có thể gặp khó khăn khi tìm phiên bản trang web của bạn có thể phục vụ cho họ.

Có 2 cách chính mà một website có thể được quốc tế hóa:

  • Ngôn ngữ: Các trang web có ít nhất 2 ngôn ngữ trên trang được coi là trang web đa ngôn ngữ. Các trang web này nên thêm một thẻ hreflang để cho Google thấy rằng trang của bạn có một bản sao cho một ngôn ngữ khác. Tìm hiểu thêm về hreflang.
    <link rel="alternate" href="http://example.com" hreflang="en-us" />
    <link rel="alternate" href="http://example.com" hreflang="vi-vn" />​
  • Quốc gia: Các trang web nhắm mục tiêu đối tượng ở nhiều quốc gia được gọi là các trang web đa khu vực. Những website này nên chọn cấu trúc URL giúp dễ dàng nhắm mục tiêu tên miền hoặc trang của họ đến các quốc gia cụ thể. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng tên miền cấp 1 của quốc gia (ccTLD), chẳng hạn như "example.vn" cho Việt Nam, "example.jp" cho Nhật Bản; hoặc tên miền cấp 1 chung (gTLD) với thư mục con cụ thể theo quốc gia, chẳng hạn như "example.com/vn" cho Việt Nam, hoặc "example.com.jp: cho Nhật Bản.

Kết

Bạn đã nghiên cứu về từ khóa, bạn đã viết các nội dung chất lượng, và bạn cũng đã tối ưu hóa trang web của mình cho các công cụ tìm kiếm cũng như trải nghiệm người dùng. Phần tiếp theo của thử thách SEO là một vấn đề lớn: thiết lập authority để các trang của bạn sẽ được xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm. Nội dung này sẽ được lấp đầy trong Chương 6 - Xây dựng liên kết & thiết lập Authority trong SEO.

Công ty TNHH Giải pháp Website & Ứng dụng phần mềm Quang Minh

🚩 Địa chỉ
Số 81 Võ Huy Tâm, Phường Cẩm Trung, Thành phố Cẩm Phả, Tỉnh Quảng Ninh
📞 Điện thoại
(0862) 814-787
💌 Email
[email protected]
🌐 Zalo OA
https://zalo.me/369605269295116980
🌐 Facebook
https://www.facebook.com/qmasdotvn/
🌐 Twitter